1. Đau thắt lưng cấp (lumbago).
1.1. Định nghĩa:
Đau thắt lưng cấp là thể đau cấp tính của hội chứng thắt lưng cục bộ (gọi là hội chứng thắt lưng cục bộ cấp tính), chỉ khu trú ở vùng thắt lưng, không kèm theo những dấu hiệu rễ và dây thần kinh, mà căn nguyên chính là do thoái hóa đĩa đệm cột sống thắt lưng.
1.2. Triệu chứng:
– Khởi phát: thường sau những vận động với một tư thế bất lợi nào đó, xuất hiện đau đột ngột vùng thắt lưng, gây cản trở vận động của cột sống và gây tư thế sai lệch đặc trưng của cột sống. Sau đó để duy trì tư thế chống đau và do phản xạ, các cơ vùng thắt lưng tăng cường trương lực và co cơ.
– Vị trí đau chủ yếu ở vùng cột sống thắt lưng và xương cùng, có thể ở chính giữa hoặc ở hai bên của khu vực đó, đau có thể lan tỏa ra phía trước hoặc lên phía đầu, hoặc có khi xuống dưới tới khối cơ đùi theo kiểu giả rễ thần kinh.
– Các điểm đau cột sống: khám ấn lên mỏm gai các đốt sống để tìm điểm đau cột sống, các điểm này tương ứng với các đoạn vận động bệnh lý. Các điểm đau cạnh sống nằm ở hai bên của điểm đau cột sống, cách khoảng 2-2,5cm, các điểm đau này là điểm xuất chiếu đau của các rễ thần kinh tương ứng.
– Giảm tầm vận động của cột sống thắt lưng:
+ Giảm độ giãn cột sống khi cúi, nghiệm pháp Schoeber (+) (độ giãn cột sống <14/10).
+ Bình thường động tác ngửa được 25-300 , nghiêng sang bên được 25-300, quay sang bên được 300. Khi đau cột sống, các động tác cúi, ngửa, nghiêng, xoay đều hạn chế. Nhất là trong các tổn thương bệnh lý có khóa cứng vận động như lao cột sống, viêm cột sống dính khớp, hư cột sống biến dạng.
– X quang: thấy rõ sự lệch vẹo của cột sống, nhiều khi sẽ thấy cả hình ảnh thoái hóa cột sống như gai xương, mỏ xương, gai đôi…
1.3. Nguyên nhân:
Theo Nachemson và Morris thì nguyên nhân gây đau thắt lưng cấp là do biến đổi áp lực nội đĩa đệm cột sống thắt lưng theo tư thế:
+ Khi nằm ngửa áp lực nội đĩa đệm là: 15kg lực.
Máy vật lý trị liệu Bộ Quốc phòng
Công ty Cổ phân TSun Việt Nam
[DoctorHome DH14] Máy trị liệu đa năng DoctorHome DH-14 (tiêu chuẩn)
Hỗ trợ cơ xương khớp chi dưới
+ Khi đứng thẳng là 100kg lực.
+ Khi cúi ra trước là 140kg lực, nhưng nếu đồng thời xách thêm 20kg thì áp lực nội đĩa đệm tăng lên đột ngột tới 200kg lực.
Trong đau thắt lưng cấp, khi áp lực trọng tải theo trục cột sống, sự dịch chuyển khối lượng (các thành phần trong đĩa đệm đột nhiên bị xáo trộn mạnh do áp lực nội đĩa đệm tăng lên đột ngột và quá mức như tư thế cúi và nâng một vật) sẽ trực tiếp kích thích vào dây chằng dọc sau nên gây xơ. Ngoài ra tính chất đau cấp tính vùng thắt lưng còn do những khớp nhỏ đốt sống bị ép đột ngột hoặc giằng xé do vận động cột sống thắt lưng ở tư thế bất lợi và do nhiễm lạnh, ẩm thấp gây ra.
2. Đau thắt lưng mạn tính tái phát (lombalgie).
2.1. Đại cương:
– Định nghĩa: Đau thắt lưng mạn tính tái phát có khi là một thể của hội chứng đau thắt lưng cục bộ (gọi là hội chứng thắt lưng cục bộ mạn tính), cũng có thể cùng nằm trong hội chứng thắt lưng hông (gọi là hội chứng cột sống), biểu hiện bằng những đợt đau dài và hay tái phát, xuất hiện đau thường từ từ và lui bệnh chậm, có bệnh cảnh lâm sàng không rõ nét đặc trưng.
– Đặc điểm: Thường xuất hiện ở độ tuổi từ 35-40, do liên quan với giai đoạn tiến triển của thoái hóa đĩa đệm. Đau xuất hiện ở tư thế nhất định và dễ mất đi khi thay đổi tư thế.
– Nguyên nhân: Chủ yếu là do sự biến đổi sức đàn hồi và thể tích đĩa đệm. Những tác động có tính chất dây chuyền từ đĩa đệm đến các khớp nhỏ đốt sống.
– Phân loại: có 4 thể:
+ Đau thắt lưng mạn tính tái phát do trọng tải.
+ Đau thắt lưng mạn tính tái phát do trút bỏ trọng tải.
+ Đau thắt lưng mạn tính tái phát do gù, ngồi lâu, đứng ở tư thế khom mình nâng một vật nặng.
+ Đau thắt lưng mạn tính tái phát do ưỡn cột sống.
2.2. Đau thắt lưng mạn tính tái phát do trọng tải:
– Nguyên nhân:
Bình thường đĩa đệm cần có một áp lực trọng tải dọc trục cột sống ở mức độ nhất định để tăng cường chuyển hóa trong đĩa đệm. Nhưng nếu cột sống phải chịu áp lực trọng tải quá mức do những tư thế bất lợi sẽ gây nên đau cột sống. Các tư thế đó có thể là:
+ Ngồi lâu, đi đứng ở tư thế khom mình hay nâng, mang vác vật nặng. Nhưng nếu sau đó cột sống được chuyển sang tư thế nằm ngang thì trạng thái đau sẽ mất.
+ Đi bộ đường dài, đứng lâu, đặc biệt là đi giầy cao gót làm cho khung chậu phải ngả ra trước và cột sống thắt lưng phải ở tư thế ưỡn. Nếu cột sống thắt lưng được chuyển về tư thế ngả về phía trước thì sẽ đỡ đau.
+ Đi xuống dốc, đi xuống núi, và các nghề nghiệp buộc phải thường xuyên làm việc ở tư thế ngả lưng ra sau hay với cao quá đầu, từ đó xuất hiện đau do ưỡn thắt lưng.
+ Các cơ giữ tư thế thân quá mệt mỏi, kiệt sức sau nhiều giờ làm việc liên tục trong ngày.
– Triệu chứng:
+ Khởi phát: thường khởi phát từ từ, hay tái phát thành nhiều đợt. Đau thường xuyên liên quan đến tư thế sai lệch của cột sống, thời tiết khí hậu ẩm thấp, lạnh hay khi thay đổi thời tiết nhưng chủ yếu là liên quan đến tư thế và tải trọng mà cột sống phải gánh chịu.
+ Vị trí và lan xuyên: Đau lưng cục bộ chỉ khu trú ở cột sống và cạnh sống thắt lưng, đau xuất phát từ các cấu trúc nhạy cảm của đoạn vận động như: gân, cơ, dây chằng, khớp đốt sống, màng cứng… Đau thắt lưng hông là đau thắt lưng lan xuống chân theo các rễ thần kinh thắt lưng cùng, đau rễ chỉ xuất hiện ở giai đoạn mà quá trình tổn thương xâm phạm đến các rễ thần kinh. Vị trí và hướng lan tỏa của đau tương ứng với khu vực phân bố của rễ thần kinh bị tổn thương.
+ Cường độ và tính chất:
* Thường đau mức độ nhẹ và vừa. Đau ê ẩm, nhức mỏi, đau tăng khi đứng lâu, ngồi lâu, khi đi lại, làm việc trong tư thế gò bó không đổi. Kiểu đau này đặc trưng cho hư đĩa đệm cột sống thắt lưng.
* Đau thắt lưng cường độ mạnh, đau sâu liên tục nằm nghỉ không đỡ, các biện pháp chống đau thông thường không có hiệu quả là kiểu đau đặc trưng của bệnh lý có tổn thương phá hủy ở đĩa đệm và đốt sống như lao đốt sống, u ác tính, viêm do vi khuẩn không đặc hiệu.
* Đau thắt lưng mạn tính, hạn chế vận động cột sống thắt lưng, đau khớp cùng chậu có khi đau các rễ thần kinh hông to cả 2 bên, đau tăng về đêm, thường gặp trong bệnh viêm cột sống dính khớp.
+ Các biến dạng cột sống:
* Mất ưỡn cong sinh lý: thường kèm theo co cứng phản xạ các cơ cạnh sống thắt lưng.
* Ưỡn quá mức: rất ít gặp trong thoát vị đĩa đệm, nhưng thường gặp trong chấn thương, lao…
* Gù: có thể gặp gù nhọn hoặc gù tròn:
Gù nhọn: gặp trong tổn thương cục bộ ở 1-2 đoạn vận động do chấn thương, viêm đốt sống – đĩa đệm do lao, xẹp đốt sống do ung thư…
Gù tròn: gặp ở người già do hư đĩa đệm lâu năm, loãng xương; ở người trẻ gặp trong bệnh Scheuerman thể thắt lưng, một số trường hợp viêm cột sống dính khớp.
* Vẹo cột sống: thường gặp trong đau thắt lưng hông do đĩa đệm. Trong hư đĩa đệm, vẹo cột sống thắt lưng phát triển từ từ trên nền đau lưng mạn tái phát. Trong thoát vị đĩa đệm, vẹo cột sống là biểu hiện của tư thế chống đau do co cứng các cơ cạnh sống.
+ ấn, gõ lên gai sống thấy đau, có khi dấu hiệu này thấy cả ở vùng xương cùng hay khớp cùng chậu.
+ Vận động cột sống bị hạn chế: cả các động tác cúi (Schoeber +), ngửa, sang bên và xoay.
+ X quang: có thể thấy hình ảnh thoái hóa cột sống thắt lưng như: hẹp khe khớp, đặc xương dưới sụn, mọc gai xương, gai đôi cột sống, thắt lưng hóa S1, cùng hóa L5, viêm khớp cùng chậu, loãng xương.
– Tiến triển: Trong trường hợp nặng có thể xuất hiện những triệu chứng đau rễ thần kinh kèm theo, chứng tỏ đã có biến chứng kích thích hay chèn ép rễ.
2.3. Đau thắt lưng mạn tính tái phát do trút bỏ trọng tải:
– Là chứng đau thắt lưng do tư thế nằm ngang bất động quá lâu làm mất áp lực tải trọng bình thường trong đĩa đệm.
– Triệu chứng:
+ Thường xuất hiện đau thắt lưng vào sáng sớm ở những bệnh nhân phải nằm ngang ở tư thế không đổi, sau khi tỉnh dậy bệnh nhân thấy rất mệt mỏi và đau vùng thắt lưng với cường độ cao.
+ Đau hạn chế vận động cột sống thắt lưng về các phía tạo nên tư thế sai lệch đặc biệt.
+ Co cứng cơ lưng không thể cúi được.
+ Đau tăng khi ho, hắt hơi, rặn. ở tư thế nằm ngang, đau thắt lưng còn xuất hiện khi người bệnh phải đổi chiều nằm không theo ý muốn.
+ Sau những động tác nhẹ nhàng trong một thời gian ngắn khoảng 1/2 giờ, tất cả những triệu chứng trên sẽ biến mất, người bệnh có thể vận động cột sống thắt lưng như trạng thái cũ.
– Nguyên nhân và cơ chế:
Khi người bệnh phải nằm bất động lâu thì áp lực keo trong đĩa đệm tăng lên, làm cho dịch thể ở khoang ngoài đĩa đệm sẽ bị thấm qua màng bao đĩa đệm vào khoang trong đĩa đệm. Do cột sống không vận động làm lượng dịch này không bị chuyển hóa nên bị ứ trệ dẫn đến khoang tròn đĩa đệm chứa căng dịch thể, phình lên và chèn ép vào dây chằng dọc sau vốn mang tính dễ nhậy cảm đau. Đến khi người bệnh đứng dậy, thì áp lực thủy tĩnh nội đĩa đệm bị tăng lên do tác động của trọng tải dọc trục cột sống, nên dịch thể trong đĩa đệm lại dần dần được chuyển thấm ra khoang ngoài đĩa đệm lập lại sự cân bằng bình thường áp lực giữa hai khoang trong và ngoài đĩa đệm, do đó đau sẽ bị giảm nhanh chóng.
Originally posted 2010-08-01 14:04:44.
Thông tin về y học chỉ mang tính tham khảo, bạn cần hỏi ý kiến của thầy thuốc trước khi áp dụng cho mình và người thân. Với mỗi người việc đáp ứng với các liệu trình điều trị là khác nhau tùy thuộc cơ địa bản thân !