(ĐTĐ) – Viêm khớp dạng thấp (Rheumatoid arthritis-RA) là một trong các bệnh tự miễn phổ biến nhất, ảnh hưởng đến 0,5 -1% dân số thế giới. Bệnh có tính chất hệ thống này được đặc trưng bởi sự viêm mạn của các khớp và thoái hóa khớp tiến triển, dẫn đến mất chức năng của khớp [2].
Việc chẩn đoán viêm khớp dạng thấp được thường dựa vào những biểu hiện lâm sàng và các xét nghiệm như yếu tố dạng thấp (rheumatoid factor – RF), protein phản ứng C (C-reactive protein – CRP) và tốc độ máu lắng. Tuy nhiên, RF không hoàn toàn đặc hiệu cho viêm khớp dạng thấp, cũng có thể xuất hiện ở những người già khỏe mạnh hoặc ở những bệnh nhân bị các bệnh tự miễn hoặc nhiễm khuẩn khác; còn CRP và máu lắng là dấu hiệu của phản ứng viêm nói chung.
Gần đây, việc định lượng tự kháng thể IgG kháng peptid citrullin mạch vòng (antibody to cyclic citrullinated peptide – anti-CCP), một kỹ thuật định lượng anti-CCP thế hệ 2 (second-generation anti-CCP assay) trong huyết thanh hoặc huyết tương, đặc hiệu hơn với viêm khớp dạng thấp, đã giúp cho việc chẩn đoán bệnh này hiệu quả hơn [1, 3].
Hiện nay, anti-CCP được định lượng bằng kỹ thuật định lượng miễn dịch hóa phát quang (electrochemiluminescence immunoassay- ”ECLIA”) bằng máy phân tích miễn dịch Elecsys – Cobase.
1. Chỉ định
Xét nghiệm anti-CCP không được khuyến cáo sử dụng như là một xét nghiệm sàng lọc, nó được chỉ định trong các trường hợp sau:
– Được chỉ định cùng với xét nghiệm RF để giúp chẩn đoán viêm khớp dạng thấp.
– Cũng được chỉ định tiếp sau một xét nghiệm RF (-) tính, nhưng bệnh nhân có các triệu chứng lâm sàng như đau khớp và viêm khớp đối xứng, làm cho người thầy thuốc nghi ngờ bệnh nhân bị viêm khớp dạng thấp.
– Cũng có thể được chỉ định để giúp đánh giá sự tiến triển viêm khớp dạng thấp ở các bệnh nhân viêm khớp không đặc hiệu, có một số triệu chứng lâm sàng gợi ý nhưng không hội đủ các tiêu chuẩn của một viêm khớp dạng thấp.
2. Giá trị bình thường:
Giá trị của anti-CCP huyết tương người khỏe mạnh bình thường là < 17 U/mL); các giá trị anti-CCP ≥ 17 U/mL được coi là (+) tính.
Máy vật lý trị liệu Bộ Quốc phòng
Công ty Cổ phân TSun Việt Nam
[DoctorHome DH14] Máy trị liệu đa năng DoctorHome DH-14 (tiêu chuẩn)
Hỗ trợ cơ xương khớp chi dưới
Đối với bệnh nhân viêm khớp dạng thấp, với ngưỡng tối ưu (optimal cut-off) của anti-CCP là 17 U/mL, độ nhạy của xét nghiệm là 67,4 % và độ đặc hiệu là 97,0 %.
3. Ý nghĩa lâm sàng
Về nguyên tắc, các kết quả thu được cần phải được đánh giá trong sự kết hợp với các triệu chứng lâm sàng [1, 3, 4, 5].
– Nếu cả anti-CCP (+) tính và RF (+) tính, bệnh nhân nhiều khả năng bị viêm khớp dạng thấp và có thể bệnh đang tiến triến nặng hơn.
– Nếu anti-CCP (+) tính nhưng RF (-) tính và các triệu chứng lâm sàng thể hiện bị viêm khớp dạng thấp, bệnh nhân có thể bị viêm khớp dạng thấp giai đoạn sớm hoặc viêm khớp dạng thấp sẽ tiến triển trong tương lai. Theo một nghiên cứu ở Hoa Kỳ, khoảng 95% các bệnh nhân có anti-CCP (+) tính sẽ tiến triển thành viêm khớp dạng thấp trong tương lai.
– Nếu anti-CCP (-) tính nhưng RF (+) tính và các triệu chứng lâm sàng thể hiện bị viêm khớp dạng thấp, bệnh nhân có thể bị viêm khớp dạng thấp hoặc bị một số các viêm khác.
– Nếu cả anti-CCP và RF đều (-) tính, ít có khả năng bệnh nhân bị viêm khớp dạng thấp. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng, việc chẩn đoán viêm khớp dạng thấp chủ yếu dựa vào lâm sàng, do đó viêm khớp dạng thấp có thể được chẩn đoán với các triệu chứng lâm sàng điển hình ngay cả khi các kháng thể tự miễn (-) tính.
Một điều cần chú ý nữa là khi kết hợp giữa các xét nghiệm chẩn đoán viêm khớp dạng thấp như anti-CCA, RF, máu lắng và CRP trong chẩn đoán, ở những bệnh nhân đã được chẩn đoán viêm khớp dạng thấp, các xét nghiệm anti-CCP và RF (đã (+) tính) không cần làm lại nữa. Để theo dõi sự tiến triển của viêm khớp dạng thấp và đánh giá hiệu quả điều trị, chỉ cần theo dõi máu lắng và CRP theo thời gian là đủ.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Avouac J, Gossec L, Dougados M (2006). Diagnostic and predictive value of anti-cyclic citrullinated protein antibodies in rheumatoid arthritis: a systemic literature review. Ann Rhem Dis; 65: 845-851.
Feldmann M, Brennan FM, Maini RN (1996). Rheumatoid arthritis. Cell; 85: 307-310.
Nishimura K, Sugiyma D, Kogata Y, et al (2007). Diagnostic Accuracy of Anti-Cyclic Citrullinated Antibody and Rheumatoid Factor for rheumatoid Arthritis. American College of Physicians; 146: 797-808.
Raptopoulou A, Sidiropoulos P, Katsouraki M (2007). Anti-citrulline antibodies in the diagnosis and prognosis of rheumatoid arthritis: Evolving concepts. Crit Rev Clin Lab Sci; 44: 399-363.
Zendeman AJW, van Venrooij WJ, Pruijin GJM (2006). Use and significance of anti-CCP autoantibodies in rheumatoid arthritis. Rheumatology; 45: 20-25.
Nguồn Medlatec.vn
Originally posted 2013-03-31 23:13:58.
Thông tin về y học chỉ mang tính tham khảo, bạn cần hỏi ý kiến của thầy thuốc trước khi áp dụng cho mình và người thân. Với mỗi người việc đáp ứng với các liệu trình điều trị là khác nhau tùy thuộc cơ địa bản thân !