Hiện nay trên thế giới đã thống nhất dùng máy đo mật độ xương bằng phương pháp DEXA (máy dùng tia X năng lượng kép) được coi là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán loãng xương.
Phương pháp chẩn đoán loãng xương thông dụng hiện nay là đo mật độ xương hay còn gọi là đo tỷ trọng khoáng xương (Bone Mineral Density: BMD), cho phép đo mức canxi trong xương, nhờ đó xác định có phải bệnh nhân bị thưa xương hay loãng xương và dự đoán khả năng gãy xương của bệnh nhân. Đo mật độ xương là phương pháp kiểm tra không xâm nhập, không gây đau, được thực hiện ở cột sống , cổ tay, cổ xương đùi, gót chân hay toàn thân, được xác định bởi lượng mô khoáng trên một đơn vị diện tích (g/cm2)
1. Các phương pháp đo mật độ xương
Siêu âm (Ultrasound): thường được sử dụng trong chẩn đoán ban đầu. Nếu kết quả siêu âm cho thấy mật độ xương thấp thì DEXA được sử dụng để xác nhận lại kết quả. Siêu âm sử dụng sóng âm để xác định mật độ xương (thường là xương gót). Phương pháp siêu âm nhanh, không gây đau và không sử dụng chất phóng xạ như trong phương pháp X quang nhưng không đo được mật độ xương của các xương gần rạn, gãy do loãng xương như cổ xương đùi và xương sống.
Đo hấp phụ năng lượng tia X kép (Dual Energy Xray Absorptiometry- DEXA): Sử dụng hai chùm tia X hướng vào một số vị trí nào đó của cơ thể như cột sống, cổ xương đùi hay toàn bộ cơ thể và đo năng lượng của chùm tia đó khi nó ra khỏi cơ thể. Lượng mỗi chùm tia bị cản bởi xương và các mô mềm được so sánh với nhau.
Đo hấp phụ năng lượng tia X đơn (Single-energy Xray absorptiometry – SXA) có thể được sử dụng nhưng không thông dụng bằng DEXA.
Đo hấp phụ năng lượng quang phổ kép (Dual Energy Photon Absorptiometry- DPA) ( Sử dụng chất phóng xạ để sản sinh bức xạ và có thể đo mật độ xương ở xương hông và xương sống. DPA cũng sử dụng liều xạ thấp nhưng thời gian thực hiện chậm hơn các phương pháp khác)
Đo hấp phụ năng lượng quang phổ đơn (Sing le Energy Photon Absorptiomtry- SPA)
Quantitative computed tomography (QCT là một dạng của CT để đo mật độ xương cột sống (đốt sống). Một loại QCT có tên peripheral QCT (pQCT) sử dụng để đo mật độ xương ở chi (như xương cổ tay). QCT ít được áp dụng vì giá thành cao, sử dụng liều xạ cao và kém chính xác hơn DEXA, P-DEXA hay DPA.
2. Phương pháp đo mật độ xương bằng máy DEXA
Về nguyên lý hoạt động, DEXA scan dùng 2 tia X năng lượng thấp (low-energy X-rays), hầu như không phát tán phóng xạ và rất an toàn, không cần biện pháp bảo hộ đặc biệt đối với bệnh nhân và nhân viên y tế. Thiết bị chiếu tia X từ hai nguồn khác nhau đi qua vùng xương cần đo đậm độ. Xương sẽ hấp phụ một lượng xác định tia X và một phần sẽ đi xuyên qua, mật độ xương càng cao, tia X đi xuyên qua nó càng ít. Bằng cách dùng hai nguồn phát tia X thay vì một sẽ cải thiện đáng kể độ chính xác trong đo mật độ xương. Hiện nay đo mật độ xương bằng phương pháp DEXA được coi là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán loãng xương.
Có ba kiểu máy đo mật độ xương:
Máy vật lý trị liệu Bộ Quốc phòng
Thiết bị điều trị nhiệt
[DoctorHome DH14] Máy trị liệu đa năng DoctorHome DH-14 (tiêu chuẩn)
Hỗ trợ cơ xương khớp chi dưới
Thiết bị điều trị nhiệt
[GoldLife GL16] Máy vật lý trị liệu đa năng GoldLife GL-16 phiên bản mới
Máy DEXA trung tâm (Central DEXA devices) là những thiết bị lớn có thể đo mật độ xương trục như cột sống, xương chậu, cổ xương đùi.
Máy DEXA ngoại biên (Peripheral DEXA devices) là những thiết bị nhỏ hơn, có thể di chuyển được, dùng để đo mật độ xương ngoại vi như cổ tay, gót chân hoặc ngón tay.
Máy DEXA toàn thân (Whole Body DEXA system): Máy đo mật độ xương Medix DR của hãng Medilink (Pháp) tại Khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện Quân y 354 cho phép đo mật độ xương toàn thân, cả trung tâm (cột sống và cổ xương đùi 2 bên) và ngoại vi (xương cẳng tay 2 bên).
Máy đo mật độ xương toàn thân Medix DR hãng Medilink (Pháp) tại Khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện Quân y 354
Người ta dùng máy DEXA để đo mật độ xương BMD g/cm2 và khối lượng xương (Bone Mass Content – BMC). Tuy nhiên, bản thân chỉ số mật độ xương BMD không được dùng trực tiếp để đánh giá tình trạng giảm mật độ xương, mà nó được so sánh với BMD trung bình của những người cùng đặc tính trong quần thể (theo chỉ số Z-score) hoặc so với BMD trung bình của những người trẻ tuổi có khối lượng xương đạt đỉnh trong cộng đồng (theo chỉ số T-score).
3. Chỉ số T-score và Z-score trong chẩn đoán loãng xương
– T-score được dùng để chẩn đoán loãng xương, nó là độ lệch chuẩn của mật độ xương người được đo so với mật độ xương ở lúc phát triển cao nhất, ở khoảng 20-30 tuổi (hay còn gọi là Standard deviations viết tắt là SD ).
Công thức tính T-score:
T-score = ( BMDi – pBMD ) / SD
Trong đó:
BMDi là mật độ xương của đối tượng được đo.
pBMD là mật độ xương đỉnh của quần thể.
SD (standard deviations) là độ lệch chuẩn của mật độ xương đỉnh trong quần thể.
Theo WHO 1994, loãng xương được định nghĩa dựa trên mật độ chất khoáng của xương được đo bằng phương pháp DEXA và thông qua chỉ số T-score như sau:
T-Score > -1 : Normal – bình thường, biểu hiện trên đồ thị màu xanh
T-Score từ -1 đến -2,5 : Osteopenia-giảm mật độ xương, biểu hiện trên đồ thị màu vàng
T-Score < -2,5: Osteoporosis-loãng xương, biểu hiện trên đồ thị màu đỏ
T-Score < -2,5 và có gãy xương: Severe Osteoporosis – loãng xương nặng.
Đánh giá loãng xương qua chỉ số T-score
– Ngoài T-score ra thì còn Z-score cũng được dùng trong chẩn đoán loãng xương, đó là độ lệch chuẩn của mật độ xương người được đo so với mật độ xương của những người cùng giới tính, tuổi, màu da, trọng lượng (những người cùng đặc tính trong quần thể). Chỉ số này có tác dụng gợi ý chẩn đoán loãng xương thứ phát do mất xương nhiều.
Z-score được tính theo công thức:
Z-score = (BMDi – AMM) / SD
Trong đó:
BMDi là mật độ xương của đối tượng được đo.
AMM (age matched normal mean) là mật độ xương trung bình của những người cùng đặc tính trong quần thể.
SD (standard deviations) là độ lệch chuẩn của mật độ xương trong quần thể.
Người bệnh có Z-score thấp có nghĩa là có nguyên nhân khác làm mất xương ngoài yếu tố sinh lý (mãn kinh và tuổi). Ví dụ như ở nam giới thấp hơn 50 tuổi và phụ nữ chưa mãn kinh mà chỉ số Z-score bằng -2,0 thì có nghĩa là người đó có mật độ xương thấp hơn 2 SD với những người có cùng thuộc tính nên cần tìm nguyên nhân loãng xương thứ phát. Ngoài ra Z-score còn được dùng để kiểm tra tình trạng tăng trưởng của xương trẻ em trong các giai đoạn phát triển.
Trong lâm sàng, người ta không sử dụng T-score cho những người dưới 50 tuổi do các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những trường hợp có loãng xương khi chưa đến 50 tuổi là do một nguyên nhân thứ phát (mãn kinh sớm, cường giáp, cường cận giáp, bệnh lý xương khớp, sử dụng corticoid kéo dài…), khi đó sử dụng tiêu chuẩn Z-score =< -2 thì được chẩn đoán là loãng xương thứ phát.
Đối với người < 20 tuổi, không chẩn đoán là loãng xương mà chỉ được chẩn đoán là “mật độ xương thấp so với tuổi”, khi đó cũng không sử dụng T-score mà chỉ sử dụng Z-score.
Phân tích kết quả trên máy đo mật độ xương DEXA Medix DR
4. Chỉ định và chống chỉ định đo mật độ xương bằng phương pháp DEXA
Chỉ định đo tầm soát:
– Tất cả phụ nữ trên 65 tuổi và nam giới trên 70 tuổi, dù có hay không có các yếu tố nguy cơ loãng xương.
– Tất cả những phụ nữ tiền mãn kinh, sau mãn kinh và nam giới trên 50 tuổi có yếu tố nguy cơ loãng xương, bao gồm:
- Những yếu tố không thể can thiệp
- Tiền sử gãy xương ở tuổi sau 50
- Có thân nhân (cha mẹ , anh chị em ) từng bị gãy xương
- Người da trắng
- Cao tuổi
- Phụ nữ
- Mất trí nhớ
- Sức khỏe yếu
- Những yếu tố có thể can thiệp
- Hút thuốc lá
- Nghiện bia, rượu
- Trọng lượng thấp < 40kg
- Thiếu estrogen
- Thiếu calci
- Suy yếu thị lực
- Hay bị té ngã
- Thiếu vận động cơ thể
– Những người trưởng thành có bệnh lý gây mất xương như viêm khớp dạng thấp, viêm cột sống dính khớp, hoặc dùng thuốc nhóm glucocorticoid ≥ 5mg/ngày, kéo dài ≥ 3 tháng.
– Phụ nữ sử dụng hormon thay thế trong thời gian dài.
– Mãn kinh hay đã cắt buồng trứng trước 40 tuổi.
– Sau phẫu thuật thay khớp một thời gian để đánh giá tiên lượng.
Chỉ định đo bắt buộc:
– Khi chẩn đoán bước đầu Loãng xương trên lâm sàng và X quang, đo mật độ xương bằng DEXA được chỉ định để chẩn đoán xác định:
- Lâm sàng:
- Đau xương, đau lưng cấp và mạn tính.
- Biến dạng cột sống: Gù, vẹo cột sống, giảm chiều cao do thân các đốt sống bị gãy.
- Đau ngực, khó thở, chậm tiêu… do ảnh hưởng đến lồng ngực và thân các đốt sống
- Gẫy xương: Các vị trí thường gặp là gãy đầu dưới xương quay, gãy cổ xương đùi, gãy các đốt sống (lưng và thắt lưng); xuất hiện sau chấn thương rất nhẹ, thậm chí không rõ chấn thương.
- Xquang thường quy: hình ảnh đốt sống tăng thấu quang, biến dạng thân đốt sống (gãy làm xẹp và lún các đốt sống), với các xương dài thường giảm độ dày vỏ xương (khiến ống tủy rộng ra).
– Đo mật độ xương để theo dõi kết quả điều trị cho những người đang điều trị loãng xương.
Chống chỉ định:
– Phụ nữ có thai: không có thông tin về mức độ gây hại của phương pháp DEXA đối với thai nhi, tuy nhiên để an toàn tốt nhất không áp dụng với thai phụ.
– Bệnh nhân sử dụng các chất sau trong 7 ngày: thuốc cản quang chứa iod, Baryt, đồng vị phóng xạ.
5. Máy đo mật độ xương Medic DR của hãng Medilink (Pháp)
Máy đo mật độ xương Medix DR, Medilink (Pháp) tại Khoa Phục hồi chức năng Bệnh viện Quân y 354 là máy đo DEXA toàn thân thế hệ mới nhất, có thể đo mật độ khoáng trong xương (BMD) của cột sống, hông, cẳng tay và các thành phần khác của cơ thể.
Những tính năng của Medix DR:
Máy Medix DR là một hệ thống đo mật độ xương toàn thân theo kỹ thuật DEXA, sở hữu công nghệ Digital Fast Beam, đạt tiêu chuẩn của FDA (Mỹ), Medix DR có thời gian thực hiện kỹ thuật rất nhanh (11 giây cho khớp háng và 15 giây cho cột sống) nhưng không làm ảnh hưởng đến độ chính xác của thiết bị. Được thiết kế phù hợp với mọi cấu trúc của cơ thể. Đây là phương pháp không đau và không độc hại vì độ phóng xạ thấp, chỉ bằng 1/150.000 lần so với chụp phim XQ phổi và chỉ bằng 1/30.000 so với chụp răng.
Phần mềm EaZix kèm theo Medix DR được thiết kế để tối ưu hoá việc thu nhận, xử lý, lưu trữ và truy xuất dữ liệu đo mật độ xương, đặc biệt các kết quả đo mật độ xương đều hiển thị trên một màn hình máy tính, giao diện thân thiện với người dùng giúp bác sĩ và kỹ thuật viên thuận tiện trong việc sử dụng. Phần mềm tương thích với chuẩn DICOM (Push & Print 3.11, Worklist).
Chọn vùng cần đo tự động: thiết bị tự động chọn vùng cần đo (ROI) để giảm thiểu tác động của kỹ thuật viên vận hành và cải thiện độ chính xác và độ lập lại của kết quả đo.
Twin-hip: thiết bị cung cấp thông tin BMD ở cả hai bên hông để giúp phát hiện giá trị BMD thấp nhất và cung cấp thông tin đầy đủ cho chẩn đoán.
Công cụ Morphometric: công cụ giúp truy cập nhanh thông tin về kích thước, diện tích và góc đo của bất cứ phần nào của xương.
Chế độ “femur density” hiển thị một bản đồ màu cho biết mật độ xương đùi và thước đo BMD. Các phép đo này cung cấp thông tin định lượng xương và giúp xác định chính xác hơn tình trạng của xương.
Chế độ trẻ em: giúp đánh giá BMD ở trẻ em.
Combi-scan: hai phép đo (hông và cột sống) có thể được tiến hành trong một lần đo do đó giúp cải thiện hiệu năng và tiết kiệm thời gian và công sức cho cả kỹ thuật viên và người bệnh.
Digital Vertebral Assessment: hình ảnh chụp nghiêng cột sống thu được ở chế độ Digital Vertebral Assessment (DVA) giúp đánh giá nguy cơ biến dạng hoặc gãy xương thông qua phương pháp bán định lượng Genant.
Chế độ toàn thân: chế độ toàn thân cung cấp thông tin về BMD tổng và thành phần cơ thể, giúp mở rộng khả năng ứng dụng của Medix DR.
Chế độ chỉnh hình (orthopedic) cung cấp kết quả BMD chính xác ở xung quanh vùng cấy ghép bộ phận giả (như khớp háng nhân tạo) để giúp quản lý quá trình cấy ghép tốt hơn.
Originally posted 2017-12-09 08:13:41.
Thông tin về y học chỉ mang tính tham khảo, bạn cần hỏi ý kiến của thầy thuốc trước khi áp dụng cho mình và người thân. Với mỗi người việc đáp ứng với các liệu trình điều trị là khác nhau tùy thuộc cơ địa bản thân !