Vẹo cổ (torticollis) là một chứng bệnh thường gặp ở cả trẻ em và người lớn, gây đau đớn vùng cổ vai và đặc biệt tác động đến tâm lý do thẩm mỹ người bệnh nhất là ở nữ giới.
1. Nguyên nhân.
Từ trước tới nay, vẹo cổ đã được các tác giả trên thế giới phân loại ra các thể như sau:
– Vẹo cổ bẩm sinh: do dị tật của cơ ức – đòn – chũm, thường được phát hiện ở tuổi học trò và chỉ điều trị được bằng phẫu thuật.
– Vẹo cổ chấn thương: do sai khớp hoặc gãy đốt sống cổ thành mảnh.
– Vẹo cổ dạng thấp: thường khởi phát do nhiễm lạnh và xuất hiện đột ngột bởi triệu chứng đau cổ dữ dội.
– Vẹo cổ co thắt: được biểu hiện bằng các triệu chứng đặc trưng như các vận động xoắn vặn cổ về một bên, bao giờ cũng về bên đó, do trạng thái co cơ, tăng nhanh trương lực và rung giật các cơ cổ, buộc cổ phải nghiêng về phía cơ co cứng, đồng thời xuất hiện các cơn co thắt cơ trong một vài giây. Giữa các cơn, đầu lại trở về tư thế vẹo cổ ban đầu. Căn nguyên của vẹo cổ co thắt rất phức tạp, có thể do nguồn gốc não, biểu hiện rối loạn trương lực cơ tư thế; nguồn gốc cơ (viêm cơ); nguồn gốc xương hay xương khớp (tổn thương cột sống cổ thường được xác định bằng X quang; căn nguyên tâm lý (chứng máy cơ (tic) tâm căn (grasset).
– Vẹo cổ cấp: Đây là một thể đặc biệt của hội chứng cổ cục bộ do đĩa đệm, hư xương sụn cột sống cổ, đặc trưng bởi hai triệu chứng cơ bản là tư thế sai lệch và hạn chế vận động cột sống cổ. Bệnh thường hay xảy ra ở tuổi thiếu niên và thanh niên, nó được coi như một thể sớm của bệnh đĩa đệm cột sống cổ.
2. Biểu hiện lâm sàng và cận lâm sàng.
Khi mắc chứng vẹo cổ, đầu người bệnh vẹo hẳn sang một bên một cách ngộ nghĩnh, sờ nắn thấy căng cơ rõ rệt ở một bên các cơ vai gáy. Các động tác vận động cổ về phía đối diện hoàn toàn bất lực. Toàn bộ cột sống duỗi thẳng, mất đường cong sinh lý. Người bệnh không có dấu hiệu gì về thần kinh. Chụp Xquang cột sống cổ thường có hình ảnh hư xương sụn nhẹ hoặc bình thường, khó phát hiện được bệnh lý trong tư thế vẹo lệch cổ.
Để chẩn đoán quyết định cần dựa vào một số đặc điểm lâm sàng như bệnh khởi phát đột ngột, tư thế sai lệch cổ cố định, khỏi nhanh bằng cách kéo giãn cột sống cổ trở về hướng đúng tư thế. Đối với trẻ em và người trẻ nếu được điều trị sớm thì khỏi nhanh. Còn đối với người trưởng thành, do chuyển dịch tổ chức đĩa đệm trung tâm nên có thể dẫn tới thoát vị đĩa đệm gây ra các triệu chứng rễ và tủy sống.
3. Điều trị.
– Đối với thể nhẹ: Một số trường hợp vẹo cổ rất nhẹ, sau vài cơn đau có thể tự khỏi dần trong 24 – 36 giờ. Trong trường hợp cần thiết có thể cho dùng một vài loại thuốc giảm đau thông thường như aspirin hoặc dẫn chất từ 1-2g/ngày, xoa bóp vùng cổ – bả vai bằng một loại dầu xoa ngoài.
Máy vật lý trị liệu Bộ Quốc phòng
Công ty Cổ phân TSun Việt Nam
[DoctorHome DH14] Máy trị liệu đa năng DoctorHome DH-14 (tiêu chuẩn)
Thiết bị điều trị nhiệt
– Đối với thể cấp: Người bệnh phải tuyệt đối nghỉ ngơi. Có thể sử dụng các thuốc giảm đau và chống viêm không steroid kết hợp hoặc phải dùng thêm các thuốc chống co cứng cơ. Bên cạnh đó, có thể sử dụng các biện pháp điều trị không dùng thuốc như châm cứu, bấm huyệt, xoa bóp cơ cùng cổ – bả vai, kéo giãn cột sống cổ. Nắn chỉnh cột sống cổ cần cân nhắc thận trọng vì trong nhiều trường hợp lại khởi động đợt gia tăng đau, có trường hợp làm gãy cột sống cổ gây liệt tứ chi. Vì vậy không được nắn chỉnh cột sống cổ trong giai đoạn đang đau cấp.
– Đối với thể tối cấp: Phong bế tại chỗ bằng novocain và cortioid.
Originally posted 2010-08-02 14:47:04.
Thông tin về y học chỉ mang tính tham khảo, bạn cần hỏi ý kiến của thầy thuốc trước khi áp dụng cho mình và người thân. Với mỗi người việc đáp ứng với các liệu trình điều trị là khác nhau tùy thuộc cơ địa bản thân !