1. Đại cương.
Cơ chế bệnh sinh của thoái hoá cột sống là sự kết hợp của hai quá trình: thoái hoá sinh lý tự nhiên theo lứa tuổi và thoái hoá bệnh lý mắc phải (chấn thương, rối loạn chuyển hoá, miễn dịch, nhiễm khuẩn…).
– Thoái hoá đốt sống (Spondylosis):
+ Là sự thoái hoá các thành phần của xương cùng các dây chằng cột sống. Dây chằng quanh cột sống bị kéo giãn ra và đóng vôi ở đoạn sát bờ đĩa đệm để tạo nên các gai xương. Mỏ xương thường xuất hiện ở bờ trước thân đốt sống, ít khi thấy ở bờ sau, nếu có thì dễ chèn ép vào tủy sống. Quá trình thoái hoá này nặng dần theo tuổi dẫn đến phì đại mỏm khớp và lỏng lẻo dây chằng.
+ Hậu quả của thoái hoá đốt sống dẫn đến hẹp lỗ ghép (do mọc gai xương, phì đại mỏm khớp, hẹp đĩa đệm); trượt thân đốt (do mỏm khớp thoái hoá nặng, dây chằng lỏng lẻo, hở eo) và hẹp ống sống.
Hình 6.4. Thoái hoá đĩa đệm
(a): dây chằng dọc trước (1), dây chằng dọc sau (2), mâm sụn (3), vòng sợi (4), nhân nhày.
(b): vòng sợi (1), nhân nhày (2), các vết rách (3)
– Thoái hoá đĩa đệm (Disc degeneration): gồm tổn thương nhân nhày mất nước, vòng sợi giảm chiều cao và có nhiều vết rách (nứt), dẫn tới thoát vị đĩa đệm (làm ép rễ thần kinh, chèn tuỷ hoặc đuôi ngựa).
– Hư xương sụn cột sống (Osteochondrosis): Là sự thoái hoá loạn dưỡng đĩa đệm và sự phản ứng của các tổ chức kế cận (dày mâm sụn, co cứng cơ cạnh sống, đau rễ thần kinh), biến đổi tăng dần theo lứa tuổi.
– Bốn giai đoạn của hư xương sụn cột sống:
Giai đoạn 1: biến đổi nhân nhày, co cứng cơ do bị kích thích.
Giai đoạn 2: cột sống mất vững, hẹp đĩa đệm, giả trượt đốt sống.
Máy vật lý trị liệu Bộ Quốc phòng
Công ty Cổ phân TSun Việt Nam
[DoctorHome DH14] Máy trị liệu đa năng DoctorHome DH-14 (tiêu chuẩn)
Hỗ trợ cơ xương khớp chi dưới
Giai đoạn 3: vòng sợi bị vỡ, gây lồi hoặc thoát vị đĩa đệm.
Giai đoạn 4: mỏ xương, cầu xương, hẹp lỗ ghép.
Nhìn chung: các bệnh lý đau cột sống đều liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến tổn thương thoái hoá và thoát vị đĩa đệm.
2. Lâm sàng.
Có 3 thể lâm sàng tùy thuộc vào mức độ tổn thương của đĩa đệm:
2.1. Đau lưng cấp (lumbago).
Thường gặp ở lứa tuổi 30-40 nam giới. Cơn đau xuất hiện sau một động tác mạnh, quá mức, đột ngột và trái tư thế.
– Đau mạnh vùng cột sống thắt lưng không lan xa, đau tăng khi ho, hắt hơi, rặn, thay đổi tư thế.
– Đau làm hạn chế vận động cột sống, các cơ cạnh sống cơ cứng, có tư thế chống đau.
– Nằm nghỉ và điều trị vài ngày thì đau giảm dần, khỏi sau 1-2 tuần, có thể hay tái phát.
Cơ chế sinh bệnh của đau lưng cấp là do đĩa đệm bị căng phồng nhiều, chèn đẩy và kích thích vào các rễ thần kinh ở vùng dây chằng dọc sau.
2.2. Đau thắt lưng mạn tính (lombalgie).
Thường xuất hiện ở lứa tuổi trên 40, đau âm ỉ vùng thắt lưng, không lan xa, đau tăng khi vận động, khi thay đổi thời tiết, hoặc nằm lâu bất động, đau giảm khi nghỉ ngơi. Cột sống có thể biến dạng một phần và hạn chế một số động tác.
Đau thắt lưng mạn tính do đĩa đệm thoái hóa nhiều, sức căng phồng đàn hồi kém, chiều cao giảm, do đó giảm khả năng chịu lực, đĩa đệm có phần lồi ra phía sau kích thích các nhánh thần kinh.
2.3. Đau thắt lưng hông.
Đau thắt lưng phối hợp với đau dây thần kinh hông to một hoặc hai bên. Trên cơ sở đĩa đệm bị thoái hóa, dưới tác động của áp lực cao nhân nhầy bị đẩy ra phía sau lồi lên hoặc thoát vào ống sống gây nên tình trạng thoát vị đĩa đệm đè ép vào các rễ thần kinh gây nên đau thần kinh hông.
3. Dấu hiệu X quang.
Hình 6.5. Thoái hóa cột sống
Chụp X quang thường, thấy các dấu hiệu chung của thoái hóa cột sống như: hẹp khe khớp, đặc xương dưới sụn, gai xương (Hình 6.5).
4. Chẩn đoán.
Chẩn đoán thoái hóa cột sống thắt lưng dựa vào:
– Điều kiện phát sinh: tuổi, tác nhân cơ giới, tiền sử…
– Dấu hiệu lâm sàng.
– Dấu hiệu X quang.
– Loại trừ các nguyên nhân gây đau lưng khác.
– Không chẩn đoán dựa vào X quang đơn thuần.
5. Điều trị.
2.1. Điều trị đau thắt lưng cấp.
– Nằm bất động trên giường cứng, tư thế ngửa 2 chân hơi co ở khớp háng và gối bằng cách cho đệm gối tròn vào khoeo. Thời gian bất động 1-2 ngày, có khi 5-6 ngày.
– Xoa bóp, bấm huyệt nhẹ nhàng vùng thắt lưng, kéo cột sống, tập luyện vận động, châm cứu.
– Điều trị bằng nhiệt: paraffin, hồng ngoại, sóng ngắn, túi chườm…
– Điều trị bằng điện: điện xung, điện châm, điện di thuốc giảm đau.
– Điều trị bằng siêu âm liên tục hoặc chế độ xung vào 2 bên cột sống, không dùng liều cao chiếu thẳng vào cột sống vì có thể gây tổn thương tủy sống.
– Tử ngoại liều đỏ da (4-5 liều sinh học) cách ngày, 3-4 lần, diện tích chiếu dưới 300cm2.
– Kéo giãn cột sống liên tục với lực nhỏ (1/2 cân nặng), ngày 1 lần, 15-20 phút, có tác dụng làm giãn cơ. Không nên kéo ở chế độ ngắt quãng vì sẽ kích thích làm cơ càng co cứng hơn.
– Cho bệnh nhân vận động cột sống trong quá trình điều trị và sau thời gian bất động, mức độ tăng dần.
2.2. Điều trị đau thắt lưng mạn.
Các phương pháp vật lý như: nhiệt, điện xung, điện châm, sóng ngắn, tử ngoại, kéo giãn cột sống với trọng lượng nhỏ hơn so với thoát vị đĩa đệm được chỉ định để giảm đau. Bên cạnh đó bệnh nhân cần phải có chế độ tập luyện thích hợp để sửa chữa các nguyên nhân cơ giới gây đau và làm mạnh các cơ chi phối vận động vùng thắt lưng:
– Tập nghiêng xương chậu.
– Tập cơ bụng.
– Tập khối cơ cạnh sống.
Một số biện pháp dự phòng:
– Nằm: nằm đúng tư thế giúp cho cơ và dây chằng được thư giãn nghỉ ngơi.
+ Nằm ngửa: Đầu gối bằng gối mềm và thấp, dưới hai khoeo chân kê một gói cao vừa phải nhằm thư giãn cơ đùi và thắt lưng, và làm cột sống thắt lưng thẳng hơn.
+ Nằm nghiêng: có thể nằm nghiêng bên phải hoặc trái, gối đầu mềm, độ cao vừa phải, 2 chân co lại, đùi vuông góc với thân mình và cẳng chân, kê thêm một gối mỏng giữa hai đầu gối và cẳng chân.
+ Nằm sấp: là một tư thế nên tránh, tuy nhiên nếu người có thói quen nằm sấp thì nên dùng một gối nhỏ lót dưới bụng.
– Ngồi: Tư thế ngồi ảnh hưởng rất quan trọng đến cột sống và là một trong những yếu tố gây đau thắt lưng và cổ. Nên ngồi ở tư thế lưng thẳng, đùi vuông góc với thân mình và cẳng chân, hai vai cân đối, đầu thẳng với cột sống. Các tư thế ngồi bất lợi nên tránh là: ngồi bắt chéo chân, lưng cong quá hay ưỡn quá, cúi đầu về phía trước hay ưỡn đầu ra phía sau, nghiêng đầu sang phải hoặc sang trái. Chú ý không được ngồi quá lâu, nếu phải ngồi trong thời gian dài thì ít nhất mỗi giờ phải đứng lên làm vài động tác thư giãn rồi mới ngồi tiếp.
– Đứng: tư thế đứng đúng là cột sống phải thẳng, gối thẳng, hai vai song song với mặt đất, hai mắt nhìn ngang, trọng lượng cơ thể chia đều cho hai chân. Tránh các tư thế đứng khom hay ưỡn cột sống.
– Cách nâng một vật nặng: tư thế đúng là hai đầu gối chùng xuống, giữ cho cột sống luôn thẳng, ôm sát vật nặng vào người rồi dùng lực của đầu gối để đứng lên.
Originally posted 2010-08-02 11:58:31.
Thông tin về y học chỉ mang tính tham khảo, bạn cần hỏi ý kiến của thầy thuốc trước khi áp dụng cho mình và người thân. Với mỗi người việc đáp ứng với các liệu trình điều trị là khác nhau tùy thuộc cơ địa bản thân !