1. Khái niệm.
Đau nguồn gốc thần kinh là đau được khởi phát hay gây ra bởi một tổn thương ban đầu hoặc rối loạn chức năng hệ thần kinh (theo IAPS).
2. Đặc điểm lâm sàng.
– Triệu chứng chủ quan: đau liên tục kiểu bỏng rát (causalgia): cảm giác nóng, rát, cường độ mạnh, đau nhói; đau cơn (kiểu điện giật); loạn cảm (như kiến bò, kim châm). Vùng đau thường vượt ra ngoài ranh giới của dây thần kinh bị tổn thương, theo kiểu “bít tất”.
– Có yếu tố tổn thương thần kinh trước đó, hiện tại thăm khám không có tổn thương thực thể.
– Khám lâm sàng: dấu hiệu giảm nhạy cảm (giảm cảm giác, vô cảm), hay dấu hiệu tăng cảm (tăng nhạy cảm đau do giảm ngưỡng kích thích, đau do đáp ứng quá mức với kích thích). Có các kiểu đau như sau:
- Spontaneous: đau tự phát
- Alldynia: đau từ một kích thích bình thường không gây đau.
- Hyperesthesia: tăng nhạy cảm với một kích thích đau thông thường.
- Dysesthesia: sự khó chịu từ một kích thích không gây đau.
- Hyperalgesia: đau dữ dội từ một kích thích đau bình thường.
- Hyperpathia: kích thích mạnh có cảm giác đau nhưng đau dữ dội.
Cần khám về vận động như cơ lực, trương lực cơ, điều phối vận động, tư thế; khám thực vật như nhiệt độ các chi, tiết mồ hôi, lông, móng, màu sắc da…
– Các ảnh hưởng: đau kéo dài có thể gây ảnh hưởng đến các hoạt động hàng ngày, thay đổi về khẩu vị, rối loạn giấc ngủ, ảnh hưởng đến cảm xúc, giảm hoạt động tình dục, ảnh hưởng đến các mối quan hệ gia đình và xã hội, cuối cùng có thể dẫn đến trầm cảm.
– Đau do nguyên nhân thần kinh thường không nhạy cảm với các thuốc giảm đau ngoại vi. Điều trị hàng đầu bằng các thuốc có tác dụng trung ương như thuốc chống trầm cảm 3 vòng, thuốc chống co giật.
3. Phân loại.
– Đau thần kinh ngoại vi:
- Đau rễ thần kinh.
- Các bệnh thần kinh ngoại vi do chuyển hóa (đái tháo đường, ngộ độc rượu…)
- Hội chứng ống cổ tay.
- Đau thần kinh số V (trigeminal neuralgia).
- Đau thần kinh sau Herpec (post herpetic neuralgia).
- Đau thần kinh do cắt, rạch cắt bỏ tuyến vú…
- Chấn thương thần kinh (chứng bỏng rát).
- Đau chi ma (phatom lim pain).
- Hội chứng phức hợp đau khu vực hỗn hợp (complex regional pain syndrome).
– Đau thần kinh trung ương:
- Đau sau đột quỵ trung ương (central poststroke pain) (bán cầu, đồi thị, hội chứng Wallenberg).
- Bệnh rỗng tủy (Syringomyelia).
- Chấn thương.
- Xơ rải rác.
– Đau hỗn hợp: (mixed pain) cả trung ương lẫn ngoại vi: thường gặp trong các bệnh lý như đau rễ thần kinh sống (thắt lưng, cổ…), đau do ung thư, hội chứng ống cổ tay.
Máy vật lý trị liệu Bộ Quốc phòng
Công ty Cổ phân TSun Việt Nam
[DoctorHome DH14] Máy trị liệu đa năng DoctorHome DH-14 (tiêu chuẩn)
Hỗ trợ cơ xương khớp chi dưới
Có thể phân biệt đau do thụ cảm thần kinh với đau do nguyên nhân thần kinh như sau:
Đau thụ thể | Đau thần kinh |
Có ích – Bảo vệ | Vô ích – Phá hoại |
Có giới hạn | Không có giới hạn |
Cường độ đau tương ứng với cường độ kích thích | Không tương ứng với cường độ kích thích |
Dẫn truyền theo sợi Aδ và C | Liên quan đến sợi Aβ, Aδ và C |
Có vị trí rõ rệt | Đau lan tới các vùng không tổn thương |
4. Điều trị
4.1. Điều trị nội khoa.
4.1.1. Thuốc chống trầm cảm.
+ Thuốc chống trầm cảm được dùng điều trị trong một số hội chứng đau do nguyên nhân thần kinh, đặc biệt là thần kinh ngoại vi có nguồn gốc do chấn thương (tổn thương thần kinh, hiện tượng chi ma), do chuyển hóa (bệnh thần kinh do tiểu đường), do nhiễm trùng (đau sau Zona), do nhiễm độc (bệnh thần kinh do nghiện rượu, sau điều trị hóa chất chống ung thư) hay do xâm lấn (ung thư).
+ Liều dùng để giảm đau nhìn chung là thấp hơn liều dùng để chống trầm cảm.
+ Các thuốc hay dùng:
Amitriptylin (Laroxyl, Elavil) viên nén 25mg. Liều ngày 2 viên chia 2 lần.
Clomipramin (Anafranil) viên nén 10mg, 25mg, 75mg; ống tiêm 2ml/25mg. Liều 20-60mg/24h.
Tianeptin (Stablon) viên nén bọc 12,5mg, ngày uống 3 lần x 1 viên trước bữa ăn.
Sertralin (Zoloft) viên nén 50mg, uống liều duy nhất 1 viên mỗi ngày.
4.1.2. Thuốc chống co giật.
– Carbamazepin (Tegretol) viên nén 200mg. Là thuốc trị động kinh và hướng thần. Dùng điều trị đặc hiệu đau dây thần kinh sinh ba (dây V). Liều: lúc đầu mỗi ngày 200-400mg, sau tăng dần tới liều 600-800mg/24h chia 4 lần. Chú ý thuốc có thể gây dị ứng mạnh, không dùng cho phụ nữ có thai, không dùng cùng thuốc ức chế MAO, phải kiêng rượu.
Khi carbamazepin không còn tác dụng, có thể phối hợp với:
+ Thuốc chống động kinh cổ điển: Diphenylhydantoine, Dihydan.
+ Thuốc chẹn beta: propranolol 40mgx2-3 viên/ngày.
– Gabapentin (Neurontin) viên nang 300mg. Là thuốc dùng để điều trị động kinh cục bộ, còn được chỉ định trong điều trị các chứng đau do nguyên nhân thần kinh như: đau thần kinh do tiểu đường, đau thần kinh sau zona, đau dây V… Liều dùng: 3-12 viên/ngày chia làm 3 lần, liều trung bình có tác dụng 3 viên/ ngày.
4.1.3. Phong bế tại chỗ.
Bằng thuốc tê và/hoặc corticoid. Có thể huỷ thần kinh bằng cồn tuyệt đối.
4.2. Vật lý trị liệu.
– Đối với đau thần kinh tiên phát, các phương pháp vật lý trị liệu không được chỉ định điều trị vì bất kỳ một kích thích nào vào trên vùng đau đều có thể gây nên cơn đau kịch phát.
– Đối với đau thần kinh thứ phát, có thể sử dụng một số phương pháp vật lý như: sóng ngắn chế độ xung liều không nóng để chống viêm, siêu âm, điện xung dòng TENS, điện di Iod, cũng có thể dùng châm cứu để giảm đau.
4.3. Điều trị ngoại khoa.
Trường hợp ngoại lệ không điều trị bằng nội khoa được thì điều trị ngoại khoa. Như phẫu thuật cắt dây thần kinh sau hạch Gasser, cắt một phần và có chọn lọc, qua đường mổ vào vùng thái dương v.v…
Originally posted 2010-08-07 13:14:38.
Thông tin về y học chỉ mang tính tham khảo, bạn cần hỏi ý kiến của thầy thuốc trước khi áp dụng cho mình và người thân. Với mỗi người việc đáp ứng với các liệu trình điều trị là khác nhau tùy thuộc cơ địa bản thân !