Gluco-corticoid là một hormon vỏ thượng thận có tác dụng thúc đẩy tổng hợp glucose từ protid, thải trừ K+, giữ Na+ và kiềm chế tác dụng của ACTH. Gluco-corticoid tự nhiên có hai loại chính là Cortisol (Hydrocortison) và Corticosteron. Trong lâm sàng, các chế phẩm corticoid đều là dẫn xuất của cortisol hay hydrocortison, còn được tổng hợp từ acid mật, từ thực vật, và tổng hợp hóa dược. Gluco-corticoid gây tác dụng giảm đau gián tiếp thông qua tác dụng chống viêm.
I. DƯỢC ĐỘNG HỌC.
Khi vào cơ thể bằng nhiều đường khác nhau, Gluco-corticoid đều được hấp thu vào máu. Trong máu, 90% Gluco-corticoid gắn với protein huyết tương và gây tác dụng dược lý tại các cơ quan. Gluco-corticoid được chuyển hóa ở gan bằng 2 cơ chế: phản ứng oxy hóa khử và phản ứng liên hợp. Thải trừ qua thận 30% dạng chưa chuyển hóa và 70% dạng chuyển hóa.
Khi đưa vào cơ thể Gluco-corticoid sẽ tác động lên các tuyến như dưới đồi, tuyến yên, tuyến vỏ thượng thận.
Hình 2.4. Sơ đồ tác dụng trở lại của Gluco-corticoid đối với trục dưới đồi – tuyến yên
– Một số chất cảm ứng enzym chuyển hóa thuốc như Barbiturat, Rifampicin làm giảm tác dụng của Corticoid.
– Một số chất ức chế enzym chuyển hóa thuốc như Erythromycin, Cloramphenicol… làm tăng tác dụng của thuốc.
II. TÁC DỤNG DƯỢC LÝ VÀ CƠ CHẾ.
1. Tác dụng điều trị:
Có 3 tác dụng chính là:
– Tác dụng chống viêm.
– Tác dụng chống dị ứng.
– Tác dụng ức chế miễn dịch.
1.1. Tác dụng chống viêm.
Máy vật lý trị liệu Bộ Quốc phòng
Công ty Cổ phân TSun Việt Nam
[DoctorHome DH14] Máy trị liệu đa năng DoctorHome DH-14 (tiêu chuẩn)
Hỗ trợ cơ xương khớp chi dưới
– Gluco-corticoid kích thích tổng hợp 1 protein là Lipocortin, chất này ức chế hoạt tính của Phospholipase A2. Do đó nó làm giảm tổng hợp cả Leucotrien và PG, trong khi đó thuốc NSAID chỉ ức chế tổng hợp PG (Hình 2.5).
Hình 2.5. Sơ đồ cơ chế chống viêm của Gluco-corticoid
– Ngoài ra tác dụng chống viêm của Corticoid còn do: ức chế sản xuất kháng thể, ức chế khả năng vận chuyển và tập trung của bạch cầu, cản trở thực bào, hạn chế giải phóng enzym ty lạp thể…
Do đó, thuốc có tác dụng chống viêm nhanh, nhưng khi dừng thuốc thì dễ tái phát.
1.2. Tác dụng chống dị ứng:
– Dưới tác động của dị nguyên, cơ thể sinh ra IgE, IgE gắn vào các thụ cảm thể đặc hiệu trên mastocyt và bạch cầu E làm hoạt hóa phospholipase C. Men này xúc tác tách phosphatidyl inositol diphosphat ở màng tế bào thành diacyl glycerol và inositol phosphat. Hai chất này đóng vai trò chất truyền tin thứ 2 làm các hạt trong bào tương của tế bào giải phóng chất trung gian hóa học gây dị ứng như histamin, serotonin…
– Gluco-corticoid có tác dụng ức chế men phospholipase C do đó làm ức chế giải phóng các chất trung gian hóa học gây dị ứng (Hình 2.6).
Hình 2.6. Sơ đồ cơ chế chống dị ứng của Gluco-corticoid
1.3. Tác dụng ức chế miễn dịch:
– Gluco-corticoid chủ yếu tác động lên phản ứng quá mẫn chậm (Hình 2.7):
Hình 2.7. Sơ đồ cơ chế ức chế miễn dịch của Gluco-corticoid
(1) – Gluco-corticoid ức chế thực bào và trình diện kháng nguyên của Mastocyt (MΦ).
(2) – Gluco-corticoid ức chế khả năng chuyển hóa của T4 lên MΦ do đó ức chế tiết Interleukin II (IL II).
(3) – Gluco-corticoid ức chế sự hoạt hóa của T4 làm giảm tiết IL I.
(4) – Gluco-corticoid ức chế sự hoạt hóa của ILγ lên tế bào NK, từ đó ức chế giải phóng IL I và IL II.
2. Các tác dụng phụ:
2.1. Chuyển hóa đường:
Gluco-corticoid làm tăng sinh đường từ acid amin, tập trung thêm glycogen ở gan. Ngoài ra còn làm giảm tiết insulin và tăng tiết glucagon, do đó Gluco-corticoid làm tăng đường máu và có xu hướng làm bệnh đái tháo đường nặng thêm.
2.2. Chuyển hóa protid:
Gluco-corticoid làm giảm nhập acid amin vào tế bào, tăng dị hóa protid làm nhiều tổ chức bị ảnh hưởng: teo cơ, tổ chức liên kết kém bền vững (gây vết rạn da), tổ chức lympho bị teo (tuyến ức, lách, hạch lympho), xương thưa do teo mô liên kết nơi bám của các chất vô cơ (làm xương dễ gẫy, dễ bị lún đốt sống, hoại tử vô khuẩn cổ xương đùi).
2.3. Chuyển hóa lipid:
Gluco-corticoid làm tăng dự trữ mỡ ở mặt, ngực, lưng và bụng như dạng Cushing.
2.4. Chuyển hóa nước và điện giải:
– Tăng giữ Na+ và nước, tăng thải K+ có thể gây phù, tăng huyết áp.
– Tăng thải Ca++ qua thận, giảm hấp thu Ca++ ở ruột do đối kháng với Vitamin D, do đó có xu hướng làm giảm Ca++ trong cơ thể và có thể dẫn tới cường cận giáp trạng và làm xương bị thưa thêm, trẻ em còi xương chậm lớn.
2.5. Tác động trên dạ dày:
Gluco-corticoid vừa có tác động trực tiếp vừa tác động gián tiếp, làm tăng tiết acid và pepsin, giảm tổng hợp chất nhày bảo vệ niêm mạc (mucus) do giảm tổng hợp PG E1 và E2 là nguyên chất để tổng hợp nên mucus.
2.6. Các cơ quan khác:
– Thần kinh trung ương: lúc đầu kích thích gây lạc quan, sau đó gây rối loạn tâm thần.
– Máu: tăng đông máu, tăng tế bào máu, giảm bạch cầu E, hủy cơ quan lympho.
– Do ức chế cấu tạo nguyên bào sợi, ức chế tổ chức hạt nên Gluco-corticoid làm chậm liền sẹo các vết thương.
– Do ức chế miễn dịch nên Gluco-corticoid tạo điều kiện cho nhiễm khuẩn và nặng thêm các nhiễm khuẩn có sẵn (nhất là lao).
III. CHỈ ĐỊNH, CHỐNG CHỈ ĐỊNH VÀ NGUYÊN TẮC ĐIỀU TRỊ.
1. Chỉ định tuyệt đối:
– Suy vỏ thượng thận cấp.
– Thiếu Corticoid bẩm sinh.
2. Chỉ định cần thiết:
– Chống viêm: viêm khớp, viêm thần kinh…
– Chống dị ứng: mày đay, ban đỏ, viêm mũi dị ứng, hen phế quản, shock phản vệ…
– ức chế miễn dịch: ung thư, chống loại bỏ mảnh ghép, các bệnh tự miễn (thấp khớp, luput ban đỏ, viêm quanh động mạch, viêm nhiều cơ, cứng da)…
3. Chỉ định cân nhắc:
Dùng kết hợp hạn chế trong các bệnh như: viêm gan, viêm thận, hội chứng thận hư, tràn dịch màng bụng, màng phổi, viêm ruột, lao…
4. Chống chỉ định:
– Viêm, loét dạ dày, hành tá tràng.
– Đái tháo đường, phù, tăng huyết áp.
– Nhiễm khuẩn nặng, nhiễm khuẩn chưa có kháng sinh đặc hiệu, lao, suy giảm miễn dịch nặng.
5. Nguyên tắc khi sử dụng thuốc.
5.1. Liều lượng: có 2 mức độ:
– Liều tấn công: Dùng liều cao ngay để đạt hiệu quả nhanh sau đó giảm dần đến liều duy trì.
– Liều duy trì: có 2 cách dùng:
+ Dùng liên tục đến hết đợt rồi dùng ACTH để kích thích vỏ thượng thận.
+ Dùng cách ngày không cần dùng ACTH.
5.2. Chú ý khi dùng thuốc:
– Không kết hợp với thuốc lợi niệu thải K+ máu.
– Không ăn mặn vì dễ gây phù.
– Tìm liều tối thiểu có tác dụng.
– Theo dõi sát các biến chứng có thể xảy ra bằng lâm sàng và xét nghiệm: thủng, chảy máu dạ dày, thưa xương, viêm cơ, phù, tăng huyết áp, đái tháo đường…
Originally posted 2010-08-21 02:38:21.
Thông tin về y học chỉ mang tính tham khảo, bạn cần hỏi ý kiến của thầy thuốc trước khi áp dụng cho mình và người thân. Với mỗi người việc đáp ứng với các liệu trình điều trị là khác nhau tùy thuộc cơ địa bản thân !