CÁC THUỐC HỖ TRỢ DÙNG TRONG ĐIỀU TRỊ ĐAU
THUỐC TÁC DỤNG TRÊN HỆ THẦN KINH TRUNG ƯƠNG
Thuốc chống trầm cảm
– Stablon (tianeptin): viên 12,5mg, liều dùng ngày 3 viên, chia làm 3 lần (sáng, chiều, tối). Đây là thuốc chống trầm cảm tốt, dễ sử dụng do ít tác dụng phụ và dung nạp tốt nên có thể dùng rộng rãi cho nhiều đối tượng, kể cả người già. Thuốc rất có hiệu quả cho các bệnh trầm cảm trong các bệnh lý thực thể như trầm cảm do tăng huyết áp, viêm đa khớp dạng thấp, loét dạ dày – tá tràng, viêm đại tràng, trầm cảm do rượu, ma túy… Thuốc không độc với cơ tim vì vậy dùng được cả cho người có bệnh lý tim mạch. Đôi khi thuốc gây ra đầy bụng, buồn nôn thoáng qua.
– Fluoxetin (prozac, proctin): viên nén hoặc viên nhộng 20mg. Liều thông thường là 1 viên/ngày do thời gian bán hủy dài, chỉ định rộng rãi cho nhiều đối tượng bệnh nhân và không độc với cơ tim. Thuốc có hiệu quả chống trầm cảm, chữa các rối loạn ám ảnh rất tốt. Tuy nhiên thuốc có một vài tác dụng phụ như đầy bụng, buồn nôn, vì vậy nên uống sau bữa ăn. Các thuốc ức chế tiết axit ở dạ dày như cimetidin, omeprazol làm giảm tác dụng phụ trên hệ dạ dày – ruột của fluoxetin. Bên cạnh đó fluoxetin có thể gây mất ngủ trong thời gian đầu dùng thuốc nên người ta khuyên dùng thuốc sau bữa ăn sáng. Ở một số bệnh nhân, thuốc gây giảm khả năng tình dục (rối loạn cương dương ở đàn ông và giảm ham muốn ở phụ nữ). Để khắc phục nhược điểm này, người ta khuyên dùng thuốc cùng ginko biloba. Trong tuần đầu dùng thuốc, có thể bệnh nhân xuất hiện lo âu do đó nên kết hợp với rivotril trong một tuần.
– Paroxetin (deroxat): viên nén 20mg, có tác dụng tương đương với fluoxetin nhưng ít gây mất ngủ và lo âu, vì vậy có thể uống thuốc vào buổi tối. Liều thông thường là 1 viên/ngày. Với các bệnh nhân ám ảnh sợ có thể dùng 2 viên/ngày. Gần đây, một số y văn cho rằng paroxetin có thể gây tăng nguy cơ tự sát ở bệnh nhân trầm cảm trong tuần đầu dùng thuốc. Do đó nên dùng paroxetin phối hợp với thuốc an thần (tisercin) hoặc thuốc bình thần (lexomil, rivotril) trong thời gian đầu.
– Sertralin (zoloft, serenata): viên nén 50mg (zoloft) hoặc 100mg (serenata). Thuốc có tác dụng chống trầm cảm giống fluoxetin, tuy nhiên ít ảnh hưởng trên hệ dạ dày – ruột, không gây tăng lo âu, không gây mất ngủ, vì thế có thể uống 1 lần/ngày vào buổi tối. Liều dùng thông thường là 100mg/ngày. Đây là thuốc có hiệu quả chữa trầm cảm, ám ảnh cao, dễ sử dụng và ít tác dụng phụ, có thể dùng rộng rãi cho nhiều đối tượng bệnh nhân, kể cả người già và người bị bệnh tim mạch.
– Mirtazapine (remeron): viên nén 30mg, liều dùng 1 viên/ngày. Thuốc có đặc điểm chống trầm cảm tốt, an dịu mạnh vì vậy rất thích hợp với bệnh nhân trầm cảm có lo âu, mất ngủ. Ngoài ra, thuốc gây kích thích ăn ngon miệng, do đó dùng tốt cho các bệnh nhân có triệu chứng chán ăn, gầy sút và không thích hợp với người béo. Thuốc gây ngủ nhiều nên cần thận trọng khi sử dụng với người phải lái xe hoặc làm việc với máy móc. Thuốc này còn một ưu điểm là không gây rối loạn chức năng tình dục, vì vậy được lựa chọn thay thế các thuốc trên nếu bệnh nhân than phiền nhiều về giảm sút khả năng tình dục.
– Venafaxine (effexor): viên 25mg, 37,5mg, 50mg và 75mg. Liều dùng thông thường 100-150mg/ngày chia 2-3 lần do thời gian bán hủy ngắn. Đây là thuốc chống trầm cảm có hiệu quả cao nhất nhưng cũng có nhiều tác dụng phụ trên dạ dày – ruột (đầy bụng, nôn, buồn nôn). Nên uống thuốc sau bữa ăn và kết hợp với các thuốc ức chế tiết axit dạ dày hoặc benzodiazepin để hạn chế tác dụng phụ này.
– Amitriptilin (elavil, laroxil): viên nén 25mg, liều dùng 100-150mg/ngày. Thuốc có tác dụng kháng cholin mạnh nên có nhiều tác dụng phụ (khô miệng, đắng miệng, độc với cơ tim, mệt mỏi…). Thuốc có tác dụng an dịu mạnh nên chữa lo âu rất tốt. Tuy thuốc rất rẻ, hiệu quả điều trị trầm cảm, lo âu tốt nhưng do có nhiều tác dụng phụ nên ngày nay ít được dùng. Để hạn chế tác dụng phụ của thuốc, người ta khuyên nên dùng liều tăng dần và kết hợp với piracetam.
Máy vật lý trị liệu Bộ Quốc phòng
Công ty Cổ phân TSun Việt Nam
[DoctorHome DH14] Máy trị liệu đa năng DoctorHome DH-14 (tiêu chuẩn)
Hỗ trợ cơ xương khớp chi dưới
Cơ chế giảm đau của các thuốc chống trầm cảm chưa được biết, nhìn chung liều dùng để điều trị đau thấp hơn liều điều trị trầm cảm, những kinh nghiệm lâm sàng và những nghiên cứu đã chứng minh hiệu quả điều trị trong một số hội chứng đau mạn tính sau:
+ Đau do căn nguyên tâm lý (đau trầm cảm), đau kháng thuốc giảm đau.
+ Đau do nguyên nhân thần kinh, đặc biệt là thần kinh ngoại vi có nguồn gốc do chấn thương (tổn thương thần kinh, hiện tượng chi ma), do chuyển hóa (bệnh thần kinh do tiểu đường), do nhiễm trùng (đau sau Zona), do nhiễm độc (bệnh thần kinh do nghiện rượu, sau điều trị hóa chất chống ung thư) hay do xâm lấn (ung thư).
+ Đau trong viêm khớp.
+ Đau sợi cơ.
+ Đau nửa đầu Migraine.
– Các thuốc hay dùng:
Amitriptylin (Laroxyl, Elavil) viên nén 25mg. Liều ngày 2 viên chia 2 lần.
Clomipramin (Anafranil) viên nén 10mg, 25mg, 75mg; ống tiêm 2ml/25mg. Liều 20-60mg/24h.
Tianeptin (Stablon) viên nén bọc 12,5mg, ngày uống 3 lần x 1 viên trước bữa ăn.
Sertralin (Zoloft) viên nén 50mg, uống liều duy nhất 1 viên mỗi ngày.
Originally posted 2010-07-25 10:01:30.
Thông tin về y học chỉ mang tính tham khảo, bạn cần hỏi ý kiến của thầy thuốc trước khi áp dụng cho mình và người thân. Với mỗi người việc đáp ứng với các liệu trình điều trị là khác nhau tùy thuộc cơ địa bản thân !