Tiếng hán: 房 己
Tên khoa học : Stephania tetrandra S. Moore.
Họ khoa học : Tiết dê (Menispermaceae).
Mô Tả : Cây sống lâu năm, mọc leo, rễ phình thành củ, đường kính của rễ có thể tới 6cm. Thân cây mềm, dài khoảng 2,5-4m. Vỏ thân màu xanh nhạt, nhưng ở gốc màu hơi đỏ. Lá mọc so le hình tim, dài khoảng 4-6cm, rộng khoảng 4,5-6cm, đầu lá nhọn, mép nguyên, hai mặt lá đều có lông, mặt trên màu xanh, mặt dưới màu tro. Cuống lá dài gần bằng chiều dài của lá dính vào phía trong phiến lá. Hoa nhỏ, khác gốc, màu xanh nhạt. Quả hạch, hình cầu hơi dẹt.
Bộ phận dùng: rễ cái. Rễ cái vàng, chắc, có vân ngang là tốt. Rễ đen, xốp, có chỗ loét, thái vỡ là xấu.
Có khi dùng rễ cây Gấc để thay thế là không đúng.
Cách bào chế:
Theo Trung Y:
+ Cạo bỏ vỏ ngoài, rửa rượu phơi khô (Bản Thảo Cương Mục).
Máy vật lý trị liệu Bộ Quốc phòng
Công ty Cổ phân TSun Việt Nam
[DoctorHome DH14] Máy trị liệu đa năng DoctorHome DH-14 (tiêu chuẩn)
Hỗ trợ cơ xương khớp chi dưới
+ Lấy rễ khô ngâm nước một ngày. Vớt ra ủ mềm thấu, thái lát phơi khô (dùng sống) hoặc tẩm rượu sao dùng.
Theo kinh nghiệm Việt Nam: Rửa sạch, ngâm một lúc, ủ cho đến mềm thấu, thái mỏng phơi khô. Có thể rửa sạch, thái mỏng ngay rồi phơi khô.
Bảo quản: phơi thật khô, để nơi cao ráo.
Thành phần hoá học:
+ Tetradine, Fangchinoline, Menisine, Menisidine, Cyclanoline, Fanchinine, Demethyltetradine (Trung Dược Học).
Tác dụng dược lý:
+ Nhiều loại Alkaloid của Hán phòng kỷ có tác dụng hạ áp nhanh. Thuốc có tác dụng dãn mạch vành, tăng lưu lượng máu ở mạch vành, làm giảm lượng tiêu hao oxy của cơ tim. Thuốc có tác dụng chống rối loạn nhịp tim (Trung Dược Học).
+Tetradine A, B đều có tác dụng chống viêm. Các Tetradine đều có tác dụng giảm đau. Thuốc còn có tác dụng giải nhiệt, chống dị ứng, chống choáng quá mẫn (Trung Dược Học).
+ Quảng phòng kỷ có tác dụng giảm đau, kháng viêm và giải nhiệt (Trung Dược Học).
+ Thuốc có tác dụng làm dãn cơ vân (Trung Dược Học).
+ Thuốc có tác dụng chống ung thư (chủ yếu do chất Phòng kỷ tố A. Phòng kỷ tố A, B đều có tác dụng kháng amip. Phòng kỷ tố A có tác dụng ức chế trực khuẩn lỵ Shigella (Trung Dược Học).
Tính vị:
+ Vị cay, tính bình (Bản Kinh).
+ Vị rất đắng, tính hàn (Y Học Khởi Nguyên).
+ Vị đắng, cay, tính hàn (Trung Dược Học).
Quy kinh:
+ Vào kinh Can, Tỳ, Thận (Bản Thảo Tái Tân).
+ Vào kinh Bàng quang, Thận, Tỳ (Trung Dược Học).
Tác dụng, chủ trị:
Phòng kỷ có tác dụng khu phong, trừ thấp, chỉ thống, lợi thủy.
Chủ trị chứng phong thấp tý thông, thủy thũng, cước khí phù thũng.
Trích đoạn Y văn cổ:
- Sách Bản kinh: ” chủ phong hàn ôn ngược, nhiệt khí chư nhàn (các loại bệnh phong hủi), trừ tà lợi đại tiểu tiện”.
- Sách Bản thảo thập di: ” Hán phòng kỷ chủ thủy khí, mộc phòng kỷ chủ phong khí, tuyên thông”.
- Sách Dược tính bản thảo: ” Hán phòng kỷ trị thấp phong, khẩu diện oa tà, thủ túc thống, tán lưu đàm, chủ phế khí thấu suyễn. Mộc phòng kỷ trị con trai chân tay khớp trúng độc phong, không nói được, chủ tán kết khí, ung thũng, ôn ngược, phong thủy thũng, trị bệnh bàng quang”.
Liều dùng: Ngày dùng 6 – 12g.
Kiêng ky: âm hư mà không có nhiệt thì không nên dùng.
Đơn thuốc kinh nghiệm:
+ Trị khớp viêm sưng đau: Phòng kỷ, Bạch truật, Sinh khương, Bạch linh đều 12g, Cam thảo 9g, Ô đầu 6g, Quế chi 3g. Sắc uống (Phòng Kỷ Thang – Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).
+ Trị khớp viêm sưng đau: Mộc phòng kỷ, Ý dĩ nhân đều 15g, Mộc qua, Ngưu tất đều 9g. Sắc uống (Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).
+ Trị khớp viêm sưng đau: Mộc phòng kỷ, Tằm sa đều 10g, Uy linh tiên 12g, Kê huyết đằng 15g. Sắc uống (Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).
+ Trị phù thũng, tiểu bí: Phòng kỷ, Bạch truật đều 10g, Hoàng kỳ (sống) 16g, Cam thảo 5g, sắc uống (Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).
+ Trị phù thũng, tiểu bí: Phòng kỷ, Phục linh, Hoàng kỳ, Quế chi đều 10g, Cam thảo 6g, sắc uống (Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).
+ Trị huyết áp cao: Cao Dục và cộng sự dùng thuốc chích tĩnh mạch Hán phong kỷ tố A, ngày 2 lần, mỗi lần 120~180mg. Trị 256 ca (có 14 ca uống), tỉ lệ hạ huyết áp 84, 07%. Đối với cơn huyết áp cao cũng có tác dụng giống nhau (Vũ Hán Y Học Tạp Chí 1964, 5 : 358).
Tham khảo:
+ Hán phòng kỷ chủ thuỷ khí, Mộc phòng kỷ chủ phong khí, tuyên thông (Bản Thảo Thập Di).
+ Hán phòng kỷ trị phong thấp, khẩu diện oa tà, tay chân đau, làm tan đờm lưu trệ, chủ Phế khí ho suyễn. Mộc phòng kỷ trị con trai chân tay khớp trúng độc phong, không nói, chủ tán khí kết, ung thủng, ôn ngược, phong thuỷ thũng, trị bệnh bàng quang (Dược Tính Bản Thảo).
. Trị thuỷ dùng Hán phong kỷ, trị phong dùng Mộc phòng kỷ (Đông Dược Học Thiết Yếu).
Hán phòng kỷ mọc ở Hán Trung (Thiểm Tây – Trung Quốc), bên ngoài trắng, hơi vàng. Cho vào thuốc dùng rễ, vị đắng, cay. Đắng hay đi xuống, cay hay trừ thấp, thiên về chữa thấp nhiệt, nhất là thấp nhiệt ở phần dưới như bệnh cước khí. Mộc phòng kỷ bên ngoài có mầu vàng nhạt, thiên về trị phong thấp, đặc biệt là phong thấp ở phần trên, thí dụ chứng tý (Đông Dược Học Thiết Yếu).
+ Hán Phòng kỷ kích thích Thận bài tiết niệu mạnh, nhưng dùng quá liều sẽ ngược lại. Mộc Phòng kỷ trị các chứng đau thần kinh, nhất là thần kinh liên sườn,ngực đau ở người bị bệnh lao, các loại đau cơ bắp, khớp vai, đau xương sống có hiệu quả tốt (Thực Dụng Trung Y Học).
Originally posted 2011-05-12 13:06:57.
Thông tin về y học chỉ mang tính tham khảo, bạn cần hỏi ý kiến của thầy thuốc trước khi áp dụng cho mình và người thân. Với mỗi người việc đáp ứng với các liệu trình điều trị là khác nhau tùy thuộc cơ địa bản thân !