1. Thông tin khoa học
Tên tiếng Việt: Giảo cổ lam
Tên khoa học: Gynostemma pentaphyllum (Thunb.) Makino
Tên khác: Cổ yếm, Giảo cổ lam, Dền toòng
Họ: Bí (Cucurbitaceae)
2. Mô tả cây
Dạng cây thảo có thân mảnh, leo nhờ tua cuốn đơn ở nách lá. Cây đực và cây cái riêng biệt, lá khép kín hình chân vịt. Cụm hoa hình chùy mang nhiều hoa nhỏ màu trắng, các cánh hoa rời nhau xòe hình sao, bao phấn dính thành đĩa, bầu có 3 vòi nhụy. Quả Giảo cổ lam khô hình cầu, đường kính 5-9mm, khi chín màu đen.
3. Phân bố
Loài cây này mọc nhiều ở độ cao trên dưới 2000m so với mặt nước biển, trong các khu rừng thưa, ẩm thấp, khí hậu lạnh quanh năm bao gồm: Nhật Bản, Bắc Triều Tiên, Nam Trung Quốc, các tỉnh vùng núi phía Bắc của Việt Nam.
Riêng tại Việt Nam, khi tiến hành cuộc khảo sát dược liệu tại Fansipan, các nhà khoa học Việt Nam đã phát hiện một quần thể rộng lớn cây Giảo cổ lam mọc hoang ở độ cao 1500m thuộc dãy Hoàng Liên Sơn. Theo thông tin thu thập được, người dân nơi đây đã dùng cây này từ nhiều đời nay nhằm tăng lực, chống mệt mỏi khi đi rừng, tăng cường sức khỏe. Mẫu cây này sau đó được gửi đến Viện Dược liệu Trung ương và đến các phòng nghiên cứu thực vật lớn trên thế giới và xác định đúng là cây Gynostemma pentaphyllum.
Qua nghiên cứu cho thấy, giảo cổ lam Việt Nam có chất lượng tương đương với giảo cổ lam của Nhật Bản và Trung Quốc. Đặc biệt, công ty TNHH Tuệ Linh đã phát triển thành công 1 vùng trồng Giảo cổ lam 5 lá quý hiếm (Ngũ diệp sâm) rộng 5 ha đạt chuẩn thực hành tốt trồng trọt và thu hái của Tổ chức Y tế thế giới (GACP – WHO) tại Mộc Châu. Được biết, đây chính là giảo cổ lam mà các quốc gia như Nhật Bản, Trung Quốc đặc biệt ưa chuộng.
Kể từ khi phát hiện ra Giảo cổ lam vào năm 1997, GS.TS Phạm Thanh Kỳ (Thầy thuốc nhân dân, nguyên hiệu trưởng ĐH Dược Hà Nội) đã đăng ký đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước. Cho đến nay, GS.TS Phạm Thanh Kỳ cùng với các nhà khoa học Viện dược liệu, Bộ môn Dược lý Trường đại học Y Hà Nội và công ty TNHH Tuệ Linh đã phối hợp nghiên cứu làm rõ tác dụng hạ đường huyết, mỡ máu và huyết áp của cây thuốc quý này.
4. Bộ phận dùng:
Toàn cây
Máy vật lý trị liệu Bộ Quốc phòng
Công ty Cổ phân TSun Việt Nam
[DoctorHome DH14] Máy trị liệu đa năng DoctorHome DH-14 (tiêu chuẩn)
Hỗ trợ cơ xương khớp chi dưới
5. Thành phần hóa học:
Thành phần hoạt chất chính của Giảo cổ lam: Saponin, flavonoid, polysaccharid.
Saponin: Trong GCL có chứa hơn 100 loại saponin cấu trúc triterpenoid kiểu Dammaran (gồm 4 vòng và một mạch nhánh), gọi chung là các gypenosids, trong đó có 4 saponin có giống cấu trúc giống hệt saponin trong nhân sâm, 11 saponin có cấu trúc tương tự như saponin trong nhân sâm. Ngoài ra, giảo cổ lam còn chứa các acid amin tan trong nước, các vitamin, nhiều nguyên tố vi lượng như kẽm, sắt, selen và rất giàu canxi hữu cơ.
6. Tính vị:
Giảo cổ lam vị rất giống nhân sâm, trước đắng sau ngọt (tiền khổ hậu cam cam).
7. Công dụng và các nghiên cứu khoa học về Giảo cổ lam:
Giảo cổ lam là một trong những cây dược liệu cổ quý hiếm được biết đến với rất nhiều tác dụng trong y học. Dược liệu này đã được sử dụng từ rất lâu đời ở các nước như Nhật Bản, Ấn Độ, Indonesia, Triều Tiên, đặc biệt là Trung Quốc.
Ở Trung Quốc, Giảo cổ lam đã được các vua chúa Trung Quốc sử dụng từ xa xưa để tăng cường sức khỏe, kéo dài tuổi thọ và làm đẹp. Cây này được hoàng đế Tần Thủy Hoàng ưa dùng với mong muốn trường sinh bất lão, do vậy giảo cổ lam còn được gọi là cỏ trường thọ.
Ở Nhật Bản, năm 1976, các nhà khoa học tình cờ phát hiện ra Giảo cổ lam khi nghiên cứu một bộ lạc sống trên vùng núi cao có tuổi thọ bình quân xấp xỉ 100 tuổi. Nguyên nhân là do người dân nơi đây đã dùng giảo cổ lam, chế biến thành trà uống hàng ngày, để tăng cường sức khỏe. Người dân Nhật Bản gọi giảo cổ lam với cái tên Phúc Âm Thảo.
Giảo cổ lam đã được ghi trong sách cổ “Nông chính toàn thư hạch chú”, quyển Hạ năm 1694 và trong cuốn “Từ điển cây thuốc Việt Nam” với những công dụng sau:
- Ba chống: Chống u, chống lão hóa, chống mệt mỏi
- Ba giảm: Giảm béo, giảm căng thẳng, giảm nám sạm da
- Năm tốt: Ăn ngủ tốt, tiêu hóa tốt, da dẻ tốt, sức khỏe tốt và giúp tỉnh táo.
Ngày nay, trải qua nhiều năm nghiên cứu, các nhà khoa học đã chứng minh được công dụng của giảo cổ lam với sức khỏe con người.
B. Giảo cổ lam giúp hạ mỡ máu, ngăn ngừa xơ vữa động mạch:
Giảo cổ lam làm hạ mỡ máu, giảm cholesterol toàn phần, triglyceride và tăng hoạt tính của enzyme lipoprotein lipase làm tăng thoái giáng lipid trong máu, do đó ngăn ngừa nguy cơ xơ vữa mạch máu, chống huyết khối.
- Những đánh giá bước đầu về tác dụng làm giảm cholesterol máu đã được tác giả Phạm Thanh Kỳ công bố trên tạp chí Dược liệu vào năm 1999 khi tiến hành thử nghiệm trên mô hình chuột gây rối loạn mỡ máu bằng chế độ ăn giàu lipid cho thấy: uống Giảo cổ lam trong 30 ngày làm giảm cholesterol toàn phần 71% so với nhóm không sử dụng dược liệu này. Kết quả này là cơ sở khoa học khẳng định tác dụng làm giảm mỡ máu của Giảo cổ lam.
- Một nghiên cứu khác của tác giả Samer Megalli, trường Đại học Sydney, Úc công bố năm 2005 cũng khẳng định tác dụng làm giảm cholesterol toàn phần trong máu, triglycerid, LDL (một loại cholesterol xấu trong máu, loại cholesterol này làm tăng nguy cơ xuất hiện các mảng xơ vữa động mạch và các bệnh tim mạch như nhồi máu cơ tim, đột quỵ…) trên mô hình động vật thí nghiệm. Theo kết quả của nghiên cứu này thì sử dụng Giảo cổ lam làm giảm lượng triglycerid trong máu 85%, cholesterol toàn phần 44% và giảm lượng LDL 35%, tác dụng này gần như tương đương với atorvastatin, là thuốc được ưu tiên lựa chọn hàng đầu cho bệnh nhân rối loạn mỡ máu hiện nay.
B. Giảo cổ lam giúp hạ đường huyết, hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường tuýp II:
- Các chất trong Giảo cổ lam có tác dụng ổn định đường huyết trên bệnh nhân đái tháo đường tuýp 2. Năm 2004, Viện dược liệu Trung ương kết hợp với viện nghiên cứu Karolinska, Thụy Điển đã tìm ra một hoạt chất mới từ cây Giảo cổ lam, có tác dụng kích thích tạo insulin. Các nhà khoa học đã chứng minh được hoạt chất này là một saponin mới và được đặt tên là Phanoside (lấy tên nhà khoa học Việt Nam Đào Văn Phan, trưởng nhóm nghiên cứu). Khi sử dụng trên chuột người ta thấy rằng Phanoside đáp ứng với từng nồng độ glucose khác nhau. Điều thú vị là độ nhạy cảm của tế bào đảo tụy với Phanoside khi nồng độ glucose cao tốt hơn khi ở nồng độ thấp. Điều này có nghĩa là Giảo cổ lam hầu như không có tác dụng hạ đường huyết khi nồng độ đường trong máu ở ngưỡng giới hạn bình thường mà chỉ làm giảm đường huyết trên đối tượng có nồng độ đường huyết cao.
- Từ thành công ban đầu tìm ra phanoside năm 2007, các tác giả này đã tìm ra cơ chế kiểm soát đường huyết của phanoside là do khả năng kích thích tiết insulin từ đảo tụy. Và đến năm 2010, một cuộc thử nghiệm lâm sàng trên bệnh nhân đái tháo đường tuýp 2 đã được thực hiện. Kết quả cho thấy, sau khi sử dụng trà Giảo cổ lam với mức liều 6g/ngày, sau 4 tuần thì nồng độ đường trong máu giảm 3 mmol/l so với trước khi sử dụng, đồng thời Giảo cổ lam còn giúp cải thiện tình trạng rối loạn mỡ máu của bệnh nhân tiểu đường.
- Một nghiên cứu lâm sàng khác năm 2011 do TS. Vũ Thị Thanh Huyền, bộ môn Dược lý, trường Đại học Y Hà Nội phối hợp với Hội đái tháo đường Thụy Điển thực hiện trên 65 bệnh nhân tiểu đường tuýp 2 tại bệnh viện Lão Khoa Trung ương có chỉ số đường huyết lúc đói trong khoảng từ 9 đến 14 mmol/l, sử dụng trà Giảo cổ lam với mức liều 6g/ngày (tương đương 3 gói trà Giảo cổ lam Tuệ Linh 2g dạng túi lọc), trong thời gian 12 tuần. Kết quả cho thấy, sau 12 tuần sử dụng trà Giảo cổ lam, đường huyết giảm 3 mmol/l so với nhóm đối chứng không sử dụng Giảo cổ lam. Nghiên cứu cũng nhận thấy nếu sử dụng một thuốc hạ đường huyết gliclazide trong 4 tuần sau đó chuyển sang sử dụng trà Giảo cổ lam trong 8 tuần cũng giúp làm giảm đường huyết lúc đói là 2,9 mmol/l so với nhóm chỉ sử dụng gliclazide đơn thuần trong 4 tuần đầu. Đồng thời nghiên cứu của TS. Vũ Thị Thanh Huyền cũng nhận thấy sử dụng trà Giảo cổ lam làm tăng mức độ nhạy cảm của tế bào với insulin, khả năng sử dụng glucose của tế bào, do đó giúp ổn định nồng độ đường trong máu.
- Như vậy, tác dụng hạ đường huyết của giảo cổ lam dựa trên các cơ chế:
- Kích thích tế bào beta đảo tụy tăng tiết insulin.
- Giảm tính kháng của tế bào đối với insulin
- Giảm tổng hợp glucose ở gan
C. Tác dụng trên tim mạch, huyết áp:
- Tác dụng trên huyết áp:
- Các nhà khoa học tại Trung tâm Y tế Đại học Vanderbilt (Mỹ) đã chứng minh rằng: uống Giảo cổ lam sẽ kích thích cơ thể sản xuất ra oxit nitric, chất này thúc đẩy quá trình lưu thông máu và có vai trò tích cực trong việc kiểm soát huyết áp, phòng ngừa các biến chứng tim mạch.
- Các nhà khoa học đã thử nghiệm lâm sàng trên 223 bệnh nhân được chia thành ba nhóm: Nhóm 1 dùng nhân sâm, nhóm 2 dùng giảo cổ lam và nhóm 3 dùng thuốc huyết áp Indapamide. Kết quả thu được, nhân sâm chỉ giảm chỉ số huyết áp 46%, Giảo cổ lam là 82% và thuốc Indapamide là 93%. Như vậy, sử dụng Giảo cổ lam có ý nghĩa rõ ràng trong hỗ trợ điều trị bệnh tăng huyết áp.
- Gần đây, GS.TSKH. Trần Văn Sung (nguyên Viện trưởng Viện Hóa học, Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam) còn phát hiện ra hoạt chất Adenosin trong giảo cổ lam 5 lá. Adenosin rất tốt cho những người tim mạch (làm giảm rõ rệt những cơn đau tim), bởi adenosin có khả năng tạo năng lượng rất mạnh, tăng khả năng chịu đựng của cơ tim, kích hoạt giấc ngủ sinh lý, giúp dễ ngủ.
D. Tác dụng chống khối u:
- Năm 2011, Tạp chí Dược học số 5/2011 đã đăng tải nghiên cứu của GS.TS Phạm Thanh Kỳ và PGS.TS Trần Lưu Vân Hiền (Viện Y học cổ truyền Nguyễn Bỉnh Khiêm) chứng minh chiết xuất Giảo cổ lam có tác dụng ngăn ngừa và kìm hãm sự phát triển khối u một cách rõ rệt.
- Năm 2012, GS.TS Phạm Thanh Kỳ tiếp tục phối hợp với các cộng sự Hàn Quốc, đã tìm thấy 7 hoạt chất saponin mới trong cây Giảo cổ lam Việt Nam và đặt tên là gypenoisd VN 01-07. Các chất này được chứng minh có khả năng tiêu diệt mạnh các tế bào ung thư bạch cầu, phổi, đại tràng, vú và tử cung.
E. Giảo cổ lam làm tăng đáp ứng miễn dịch:
- Giảo cổ lam giúp tăng cường sinh lực do có các saponin có cấu trúc giống saponin trong nhân sâm giúp cơ thể cân bằng tối ưu bằng cách cân bằng hormon nội tiết, hệ miễn dịch, hệ thần kinh và các chức năng sinh học khác.
- Giảo cổ lam có tác dụng tăng đáp ứng miễn dịch trên chuột ở cả 2 mô hình gây ức chế miễn dịch bằng Cyclophosphamid và tia xạ với liều thí nghiệm (3,4mg cao đặc/20g chuột/ngày). Cụ thể, saponin toàn phần trong GCL:
- Có tác động rõ rệt lên sự ức chế miễn dịch gây ra bởi Cyclophosphamide khi thử nghiệm trên động vật, dẫn đến sự phục hồi ở chuột được dùng Cyclophosphamide về phương diện khối lượng các cơ quan miễn dịch, hàm lượng chất tan huyết và sự tăng rõ rệt hoạt tính của tế bào NK, sự khác biệt có ý nghĩa thống kê khi so sánh với nhóm đối chứng dùng Cyclophosphamide (p < 0,005-0,01).
- Có tác động điều hòa miễn dịch 2 chiều trên chuột khỏe mạnh bình thường, phục hồi các chỉ số miễn dịch từ cao hơn hoặc thấp hơn trị số trung bình về trị số bình thường, sự khác biệt có ý nghĩa thống kê khi so sánh với nhóm chứng dùng Cyclophosphamide.
- Có tác dụng ngăn chặn mệt mỏi, giúp cơ thể chịu đựng được tình trạng thiếu oxy dưới áp suất khí quyển bình thường.
Nguồn Tracuuduoclieu.vn
(Các thông tin trong bài viết được dựa trên Cuốn Danh lục cây thuốc Việt Nam, cây thuốc và động vật làm thuốc)
Originally posted 2019-10-03 10:05:22.
Thông tin về y học chỉ mang tính tham khảo, bạn cần hỏi ý kiến của thầy thuốc trước khi áp dụng cho mình và người thân. Với mỗi người việc đáp ứng với các liệu trình điều trị là khác nhau tùy thuộc cơ địa bản thân !