Tên chung quốc tế
Diatrizoate
Mã ATC
V08AA01 (acid diatrizoic)
Loại thuốc
Chất cản quang thẩm thấu cao
Dạng thuốc và hàm lượng
Lọ 100 ml dung dịch uống hoặc dùng qua trực tràng có hàm lượng 370 mg iod/ml. Ống hoặc lọ tiêm 10 ml, 20 ml, và lọ tiêm 50 ml, 100 ml, 250 ml, 500 ml dung dịch tiêm vô trùng chứa meglumin diatrizoat và natri diatrizoat với hàm lượng thay đổi chứa khoảng 145 mg, 309 mg, 325 mg, 370 mg iod/ml.
Dược lý và cơ chế tác dụng
Diatrizoat là chất cản quang iod dạng ion. Hai muối meglumin và muối natri diatrizoat đều được sử dụng rộng rãi trong X-quang chẩn đoán. Hỗn hợp hai muối thường được dùng kết hợp để giảm thiểu các tác dụng phụ. Sử dụng meglumin diatrizoat và natri diatrizoat không căn cứ vào tác dụng dược lý của chúng mà dựa vào sự phân bố và thải trừ của chúng trong cơ thể. Tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch, muối diatrizoat có thể tạo bài niệu thẩm thấu.
Dược động học
Các diatrizoat được hấp thụ rất kém qua đường tiêu hóa. Tỷ lệ liên kết với protein huyết thanh không đáng kể (dưới 5%). Diatrizoat được nhanh chóng thải trừ ở dạng không đổi qua lọc cầu thận, nếu không bị suy chức năng thận, trên 95% liều tiêm tĩnh mạch được thải trừ qua nước tiểu trong vòng 24 giờ. Khoảng từ 1 đến 2% liều sử dụng có thể thải trừ trong phân qua bài tiết mật và có thể qua niêm mạc ruột. Có thể phát hiện diatrizoat dạng vết trong các dịch khác của cơ thể như mồ hôi, nước mắt, nước bọt và dịch vị. Ở người bệnh bị suy thận nặng diatrizoat được thải trừ ra nước tiểu chậm và 10 – 50% liều tiêm vào mạch được thải trừ trong phân, chủ yếu qua bài tiết mật. Nửa đời của các diatrizoat thường từ 30 đến 60 phút, có thể tăng lên từ 20 đến 140 giờ ở những bệnh nhân suy thận. Diatrizoat qua nhau thai và bài tiết trong sữa mẹ. Diatrizoat được đào thải qua thẩm tách màng bụng hoặc thẩm tách thận nhân tạo. Có thể quan sát được ngay hình ảnh các tĩnh mạch và động mạch sau khi tiêm mạch diatrizoat hoặc có thể quan sát được ngay tim và các mạch máu lớn vùng ngực sau khi đưa thuốc vào các buồng tim hoặc các mạch máu lớn liên quan bằng ống thông hoặc bằng cách tiêm tĩnh mạch. Cản quang sẽ tồn tại cho tới khi máu lưu thông hòa loãng dịch đưa vào. Có thể quan sát đường tiết niệu trong vòng 5 – 15 phút sau khi tiêm tĩnh mạch nhanh dung dịch diatrizoat hoặc 5 – 30 phút sau khi bắt đầu tiêm truyền tĩnh mạch, tùy thuộc chức năng thận của người bệnh. Ở người bệnh suy thận, có thể sau 30 phút hoặc lâu hơn mà vẫn chưa quan sát được hình ảnh đường tiết niệu vì thuốc bài tiết chậm. Ở người suy thận nặng, có thể không quan sát được chút nào. Sự tăng cản quang cực đại trong chụp não bằng X quang cắt lớp vi tính thường xảy ra 5 – 40 phút sau khi tiêm tĩnh mạch dung dịch diatrizoat. Có thể quan sát được ngay các bộ phận đặc biệt của cơ thể sau khi tiêm diatrizoat vào vùng đó (thí dụ ống mật, lách, khoang khớp). Nhỏ dung dịch diatrizoat vào trong tử cung có thể quan sát được ngay tử cung và vòi tử cung. Uống dung dịch diatrizoat thông thường có thể quan sát được hình ảnh dạ dày ngay, hình ảnh ruột non trong vòng 30 – 90 phút và đại tràng trong vòng 4 giờ. Thụt diatrizoat thì có thể quan sát ngay tức khắc hình ảnh đại tràng.
Chỉ định
Thuốc tiêm và dung dịch meglumin diatrizoat và natri diatrizoat được sử dụng rộng rãi trong X-quang chẩn đoán bao gồm chụp X-quang mạch, đường tiết niệu, tăng cản quang trong chụp X-quang cắt lớp vi tính, chụp đường mật khi phẫu thuật, não thất, khớp, đĩa gian đốt sống, bàng quang.
Dung dịch uống hoặc dùng qua trực tràng meglumin diatrizoat và natri diatrizoat được sử dụng trong chụp X-quang đường tiêu hóa. Dung dịch diatrizoat cũng được sử dụng để điều trị tắc ruột phân su không biến chứng và lồng ruột hồi – kết tràng ở trẻ em bằng cơ chế thẩm thấu, kéo nước vào trong lòng ruột, tống phân su ra ngoài.
Chống chỉ định
Chống chỉ định tuyệt đối trong chụp X-quang tủy sống.
Máy vật lý trị liệu Bộ Quốc phòng
Công ty Cổ phân TSun Việt Nam
[DoctorHome DH14] Máy trị liệu đa năng DoctorHome DH-14 (tiêu chuẩn)
Hỗ trợ cơ xương khớp chi dưới
Diatrizoat chống chỉ định đối với người bệnh có tiền sử quá mẫn với các chất cản quang chứa iod, người bệnh cường giáp rõ rệt và người bệnh suy tim mất bù.
Tránh dùng khi chụp X-quang mạch ở người bệnh homocystin – niệu. Không được dùng khi chụp X-quang tử cung – vòi trứng trong thời gian kinh nguyệt hoặc mang thai, hoặc với người bệnh đang bị viêm ở khoang chậu.
Tránh dùng khi chụp X-quang bụng trong thời gian mang thai. Chống chỉ định trong chụp X-quang mạch ở não hoặc chụp X-quang cắt lớp não vi tính ở người bệnh bị xuất huyết dưới màng nhện.
Thận trọng
Phải rất thận trọng khi sử dụng diatrizoat cho những người bệnh bị hen hoặc có tiền sử dị ứng.
Cần thận trọng khi sử dụng diatrizoat cho những người bệnh bị suy gan hoặc suy thận nặng hoặc những người bệnh có nguy cơ cao bị suy thận, suy tuần hoàn, khí phế thũng, xơ cứng động mạch não, đái tháo đường lâu ngày, có ngưỡng động kinh thấp, cường giáp tiềm ẩn, u tuyến giáp nhẹ, mang thai. Cần phải điều chỉnh dịch và chất điện giải cho những người bệnh bị mất nước trước khi sử dụng chất cản quang. Nếu bị mất nước, người bệnh đa u tủy có thể bị nguy cơ protein kết tủa trong các ống thận có thể dẫn đến vô niệu và suy thận gây tử vong.
Diatrizoat làm tăng nguy cơ tác dụng không mong muốn ở những người bệnh tăng huyết áp nặng, bệnh tim giai đoạn muộn, u tế bào ưa crôm, bệnh hồng cầu hình liềm hoặc cường giáp. Cần phải cẩn trọng khi tiêm vào mạch diatrizoat cho những người bệnh bị những rối loạn tắc nghẽn mạch, người bệnh bị xơ cứng động mạch não. Chất cản quang chứa iod có thể gây ảnh hưởng đến các xét nghiệm chức năng tuyến giáp, các xét nghiệm đông máu và một số xét nghiệm nước tiểu cũng có thể bị ảnh hưởng.
Nguy cơ xảy ra tác dụng không mong muốn cao ở người bệnh tuổi cao hoặc trẻ nhỏ, ốm nặng, suy nhược.
Thời kỳ mang thai
Tính an toàn của meglumin diatrizoat và natri diatrizoat trong thời kỳ mang thai chưa được xác nhận. Chỉ nên dùng chất cản quang này cho người mang thai khi lợi ích vượt trội nguy cơ có thể xảy ra. Hơn nữa, phần lớn các bác sĩ lâm sàng cho rằng chụp X-quang bụng chọn lọc là chống chỉ định trong thời kỳ mang thai vì những nguy cơ của tia X đối với thai nhi.
Thời kỳ cho con bú
Diatrizoat có bài tiết trong sữa mẹ. Do đó nên ngừng cho con bú trong thời gian sử dụng thuốc.
Tác dụng không mong muốn (ADR)
Các chất cản quang dạng ion có các ADR đặc thù, đặc biệt là khi dùng qua đường tiêm vào mạch máu. Tần suất các ADR do nhiều yếu tố tác động bao gồm tính thẩm thấu, đường và tốc độ sử dụng, thể tích, nồng độ và hệ số nhớt của dung dịch.
Tần suất chung ADR của các chất cản quang dạng ion dùng qua đường tiêm mạch máu là 3,9%. Phần lớn các phản ứng xảy ra trong vòng 5 đến 10 phút sau khi tiêm, nhưng cũng có thể xảy ra chậm hơn. Cần theo dõi chặt chẽ người bệnh trong ít nhất 30 – 60 phút sau khi tiêm.
Thường gặp, ADR > 1/100
Tiêu hóa: Buồn nôn, nôn.
Da: Mày đay, đỏ bừng, ban da ngứa.
Tim mạch: Hạ huyết áp hoặc tăng huyết áp, nhịp tim nhanh hoặc nhịp tim chậm, xanh xao.
Thần kinh cảm giác: Cảm giác nóng toàn thân. ADR khác: Ra mồ hôi, đau cánh tay.
Ít gặp, 1/1 000 < ADR < 1/100
Tiêu hóa: Đau bụng.
Hô hấp: Khó thở, ho, cơn hen, thở khò khè, co thắt thanh quản, co thắt phế quản, đau hoặc tức ngực, phù mặt hoặc phù thanh môn, chứng xanh tím.
Thần kinh cảm giác: Bồn chồn, đau đầu, chóng mặt, run, đau nhói dây thần kinh môi, lưỡi, miệng hoặc tay chân, tetani, rét run, kích động, liệt nửa người, rối loạn phát âm hoặc rối loạn thị giác, ngất. Tại chỗ: Viêm tĩnh mạch huyết khối, đau, bỏng rát, đau nhức hoặc tê dại chỗ tiêm, co thắt tĩnh mạch, xẹp cục bộ tĩnh mạch tiêm, khối tụ máu, bầm máu, đốm xuất huyết ở mặt, ở kết mạc hoặc lan tỏa. Hiếm gặp, ADR <1/1 000
Hô hấp: Phù thanh quản hoặc phổi, phù thanh môn.
Tim mạch: Thiểu năng động mạch vành, loạn nhịp tim (thí dụ rung tâm thất), hội chứng nhồi máu cơ tim, ngừng tim.
Thần kinh: Sốc, động kinh (co giật), mất ý thức.
Chú ý: Phải đặc biệt thận trọng với các triệu chứng quá mẫn ngứa, hắt hơi, v.v… vì những biểu hiện này có thể là những triệu chứng ban đầu của phản ứng phản vệ.
Bệnh thận trong đái tháo đường có thể dẫn đến suy thận sau khi tiêm mạch chất cản quang. Điều này có thể làm cho người bệnh đang dùng biguanid sớm bị nhiễm acid lactic. Để đề phòng, nên ngừng sử dụng biguanid 48 giờ trước khi dùng chất cản quang và chỉ dùng lại sau khi chức năng thận đã hồi phục đầy đủ.
Hướng dẫn cách xử trí ADR
Chuẩn bị sẵn sàng đầy đủ tất cả các thuốc và phương tiện cấp cứu và thông thạo các cách xử trí tương ứng là điều kiện tiên quyết để xử lý có hiệu quả các sự cố của chất cản quang.
Dự phòng các phản ứng đặc thù:
Người bệnh có tiền sử dị ứng cần cho dùng trước thuốc kháng histamin và corticosteroid. Điều trị trước với prednisolon và diphenhydramin hydroclorid làm giảm tần suất các phản ứng toàn thân tức thì. Nên dùng steroid trước khi sử dụng chất cản quang khá lâu để dự phòng tai biến có hiệu lực.
Do có nguy cơ của cơn tăng huyết áp, những người bệnh nghi bị u tế bào ưa crôm nên được trị liệu trước với chất chẹn thụ thể alpha. Người bệnh thuộc nhóm có nguy cơ nên được trị liệu dự phòng trước để hạn chế đến tối thiểu nguy cơ bị huyết khối và nghẽn mạch.
Điều trị các phản ứng:
Các triệu chứng chủ quan nhẹ, như cảm giác nóng và buồn nôn sẽ mất nhanh khi giảm tốc độ tiêm hoặc ngừng một lúc.
Nếu có các biểu hiện đầu tiên của sốc mới phát, ngừng dùng ngay chất cản quang và nếu cần, tiến hành liệu pháp đặc hiệu qua tĩnh mạch. Vì vậy, nên dùng một canun dẻo để đưa chất cản quang vào tĩnh mạch.
Nếu trong khi tiêm xuất hiện các tác dụng phụ rõ rệt hoặc nghi là bị dị ứng và khi ngừng một lúc mà phản ứng không mất hoặc thậm chí còn xấu hơn, thì có thể người bệnh bị quá mẫn và khi đó phải từ bỏ việc thăm dò phát hiện. Trường hợp bị phản ứng nặng, cần cho sử dụng steroid tiêm tĩnh mạch dựa theo kinh nghiệm và cho sử dụng oxy. Sốc hạ huyết áp không do tim thường đáp ứng tốt với liệu pháp truyền dịch, nhưng đôi lúc có thể phải dùng thuốc co mạch nâng huyết áp. Adrenalin là chỉ định trước hết đối với phản ứng co thắt phế quản và các phản ứng kiểu dị ứng khác nhưng phải sử dụng thận trọng để tránh loạn nhịp tim. Thuốc kháng histamin tiêm tĩnh mạch có tác dụng với phù thần kinh mạch, nhưng lại có thể làm nặng thêm phản ứng hạ huyết áp. Đối với các cơn co giật do nhiễm độc hóa chất, phải tiêm tĩnh mạch diazepam và thở oxygen.
Liều lượng và cách dùng
Dùng qua đường tiêm: Liều lượng và nồng độ meglumin diatrizoat và natri diatrizoat tiêm vào mạch thay đổi theo từng người bệnh cụ thể và tỉ lệ với diện tích của vùng đặc trưng của hệ mạch cần quan sát và mức độ loãng máu dự đoán ở vùng đó.
Người lớn và trẻ em trên 12 tuổi: Để chụp X-quang đường tiết niệu, dùng meglumin diatrizoat và natri diatrizoat qua đường tiêm tĩnh mạch, hoặc tiêm truyền hoặc tiêm ngược dòng. Liều trung bình cho người lớn có chức năng thận bình thường tương đương với 20 g iod, hoặc 300 mg iod/kg thể trọng/phút, tiêm tĩnh mạch. Nhưng cũng có nhiều phác đồ liều lượng khác để sử dụng. Để chụp X-quang mạch và tăng cản quang trong chụp X-quang cắt lớp vi tính, cần dùng thêm thuốc tê hoặc thuốc mê, và thuốc an thần hoặc thuốc giảm đau để làm giảm đau do sử dụng dịch cản quang có tính thẩm thấu lớn.
Trẻ em và trẻ sơ sinh: Chụp X-quang đường niệu trẻ còn bú và trẻ nhỏ nói chung cho thấy có độ cản quang thấp hơn so với chụp X-quang đường tiết niệu ở người lớn. Điều này được giải thích là do chức năng sinh lý non yếu của các nephron chưa trưởng thành. Vì vậy liều chỉ định tương đối cao:
Trẻ dưới 1 năm tuổi: 7 – 10 ml urografin 325/370; trẻ từ 1 – 2 tuổi: 10 – 12 ml urografin 325/370; trẻ từ 2 – 6 tuổi: 12 – 15 ml urografin 325/370; trẻ từ 6 – 12 tuổi: 15 – 20 ml urografin 325/370.
Ghi chú: Urografin 325/370 là tên thương mại của diatrizoat chứa 325 hoặc 370 mg iod/ml.
Dùng qua đường uống:
Người lớn và trẻ em từ 10 tuổi trở lên: Để quan sát dạ dày: 60 ml gastrografin (thuốc diatrizoat uống chứa 300 mg iod/ml) là đủ. Để theo dõi toàn bộ đường tiêu hóa, có thể cần đến 100 ml. Chụp X-quang cắt lớp vi tính: Nên dùng 1 – 1,5 lít dung dịch gastrografin 3% trong nước (30 ml/lít).
Người bệnh cao tuổi hoặc bị suy mòn: Nên pha loãng với cùng thể tích nước.
Trẻ em dưới 10 tuổi: Thường 15 – 30 ml gastrografin là đủ. Có thể pha loãng liều sử dụng với hai lần thể tích nước.
Trẻ còn bú và trẻ nhỏ: Nên pha loãng chất cản quang với 3 – 4 lần thể tích nước.
Dùng qua trực tràng:
Người lớn: Nên pha loãng chất cản quang với 3 – 4 lần thể tích nước. Thông thường không cần dùng quá 500 ml dung dịch gastrografin. Trẻ em: Nên pha loãng chất cản quang với 4 – 5 lần thể tích nước; dưới 5 tuổi nên dùng dung dịch loãng hơn.
Tương tác thuốc
Thuốc tăng bài tiết acid uric có thể đẩy nhanh bệnh lý thận.
Nếu đang dùng metformin, có nhiều nguy cơ gây nhiễm acid lactic hơn. Diatrizoat và strophantin K có thể có tác dụng hiệp đồng gây độc. Việc điều trị trước đây bằng interleukin-2 có thể gây phản ứng quá mẫn không điển hình với chất cản quang dưới dạng nhiều kiểu phản ứng nhắc lại khác nhau gây độc và ta không thể phòng ngừa những phản ứng này bằng trị liệu trước với steroid được.
Hydralazin dường như làm tăng nguy cơ viêm mạch ở da cấp tính.
Độ ổn định và bảo quản
Bảo quản tránh ánh sáng mạnh, tránh nóng. Có thể xuất hiện các tinh thể trong chế phẩm meglumin diatrizoat và natri diatrizoat. Có thể làm tan tinh thể bằng cách ngâm lọ thành phẩm vào nước nóng và lắc nhẹ. Tuổi thọ của thuốc là 5 năm đối với một số chế phẩm diatrizoat. Trường hợp thuốc tiêm sodium diatrizoat (như hypaque) tương đối ổn định, có thể hấp, nếu dung dịch tiêm có chứa tá dược natri calci edetat 0,0125% (khối lượng/thể tích). Nhưng không được hấp lần thứ hai vì có thể sinh ra amin tự do.
Tương kỵ
Chế phẩm meglumin diatrizoat và natri diatrizoat cũng có thể bị vẩn đục hoặc kết tủa ở pH 4 hoặc dưới 4.
Thuốc tiêm meglumin diatrizoat và natri diatrizoat tương kỵ về lý học với dung dịch protamin sulfat hoặc thuốc tiêm promethazin hydroclorid. Vì có thể tạo thành kết tủa nên khi tiêm không được trộn chung các chất cản quang và các thuốc dự phòng tai biến.
Quá liều và xử trí
Không có thuốc giải độc đặc hiệu cho gastrografin. Cần điều trị triệu chứng.
Trường hợp quá liều do sơ xuất hoặc khi bị suy thận nặng, có thể loại bỏ chất cản quang bằng thẩm phân, và nên điều chỉnh cân bằng nước và chất điện giải. Nghiên cứu về độc tính cấp, không thấy có nguy cơ nhiễm độc thuốc cấp tính.
Nguồn tham khảo
Bộ Y tế (2018), Dược thư Quốc gia Việt Nam 2018, NXB Y học
Thông tin về y học chỉ mang tính tham khảo, bạn cần hỏi ý kiến của thầy thuốc trước khi áp dụng cho mình và người thân. Với mỗi người việc đáp ứng với các liệu trình điều trị là khác nhau tùy thuộc cơ địa bản thân !