Tên chung quốc tế
Mometasone furoate
Mã ATC
D07AC13; D07XC03, R01AD09; R03BA07
Loại thuốc
Corticosteroid (xịt qua miệng, xịt vào mũi, dùng tại chỗ).
Dạng thuốc và hàm lượng
Dùng tại chỗ: Kem 0,1%; thuốc xức 0,1%; thuốc mỡ 0,1% mometason furoat.
Thuốc xịt qua miệng: Bột chỉ để xịt qua miệng 110 microgam (cung cấp 100 microgam mỗi lần xịt); 220 microgam (cung cấp 200 microgam mometason furoat mỗi lần xịt)
Thuốc xịt vào mũi: Dịch treo xịt vào mũi 0,05% (tương đương 50 microgam mometason furoat monohydrat mỗi lần xịt).
Dược lý và cơ chế tác dụng
Mometason furoat là một glucocorticoid tổng hợp có hoạt tính chống viêm. Các corticosteroid có tác dụng ức chế nhiều loại tế bào (dưỡng bào, bạch cầu ưa eosin, bạch cầu trung tính, đại thực bào, tế bào lympho) và các chất trung gian (histamin, eicosanoid, leucotrien và cytokin) có liên quan tới viêm và hen. Các bạch cầu và đại thực bào giúp cho sự khởi đầu các đáp ứng qua trung gian các chất nêu trên. Mometason furoat ức chế sự bám của bạch cầu vào thành mạch bị tổn thương, sau đó ngăn cản các tế bào viêm không di chuyển đến vùng bị tổn thương, làm co mạch và giảm tính thấm của mạch máu, dẫn đến các tế bào viêm không đến được vị trí tổn thương.
Dược động học
Hấp thu:
Khi xịt vào mũi, không phát hiện thấy thuốc trong huyết tương. Thuốc mỡ hoặc kem bôi: Hấp thu toàn thân của mometason furoat là 0,7%; hấp thu tăng lên khi dùng băng kín.
Máy vật lý trị liệu Bộ Quốc phòng
Công ty Cổ phân TSun Việt Nam
[DoctorHome DH14] Máy trị liệu đa năng DoctorHome DH-14 (tiêu chuẩn)
Hỗ trợ cơ xương khớp chi dưới
Dạng xịt qua miệng: Hấp thu toàn thân < 1%.
Phân bố: Mometason furoat gắn với protein 98 – 99%. Nửa đời thải trừ khi xịt qua miệng là 5 giờ.
Chuyển hóa: Mometason furoat được chuyển hóa ở gan qua CYP3A4 và tạo thành chất chuyển hóa.
Thải trừ: Mometason furoat và chất chuyển hóa được thải trừ trong phân, mật và nước tiểu.
Chỉ định
Làm giảm bớt các biểu hiện viêm và ngứa của các bệnh da đáp ứng với corticosteroid (mometason furoat là corticosteroid dùng tại chỗ có hiệu lực trung bình).
Điều trị triệu chứng bệnh viêm mũi dị ứng theo mùa và quanh năm. Dự phòng bệnh viêm mũi dị ứng theo mùa.
Điều trị bệnh polip mũi ở người lớn
Điều trị duy trì bệnh hen để dự phòng hoặc bổ sung cho bệnh nhân hen cần dùng corticosteroid uống để giảm hoặc loại bỏ nhu cầu về corticosteroid uống.
Chống chỉ định
Không dùng mometason furoat cho người có quá mẫn với thuốc hoặc với bất cứ thành phần nào của chế phẩm. Không dùng thuốc này để điều trị cơn co thắt phế quản cấp tính trạng thái hen hoặc ở trẻ em dưới 4 tuổi (thuốc dùng xịt qua miệng).
Thận trọng
Mometason furoat xịt qua miệng có thể gây nhiễm Candida albicans ở miệng và họng. Bệnh nhân cần súc miệng sau khi xịt. Corticosteroid có thể gây tăng năng vỏ tuyến thượng thận hoặc ức chế trục vùng dưới đồi – tuyến yên – tuyến thượng thận (HPA), đặc biệt ở trẻ nhỏ hoặc bệnh nhân dùng liều cao trong thời gian kéo dài. Sự ức chế trục HPA có thể dẫn đến cơn suy tuyến thượng thận. Sự ức chế tuyến thượng thận có thể xảy ra ở một số bệnh nhân điều trị với liều cao mometason furoat xịt trong thời gian kéo dài để điều trị bệnh hen. Sự hấp thu toàn thân có thể xảy ra sau khi xịt vào mũi, đặc biệt sau khi dùng liều cao hoặc trong thời gian kéo dài. Khi dùng toàn thân, đặc biệt trên diện rộng, khi da bị trầy xước, hoặc bị băng kín, corticosteroid có thể bị hấp thu với lượng đủ để gây tác dụng toàn thân.
Việc ngừng dùng một corticosteroid phải thực hiện chậm và cẩn thận. Phải đặc biệt thận trọng khi chuyển từ corticosteroid dùng toàn thân sang chế phẩm dùng xịt do có thể xảy ra thiểu năng tuyến thượng thận hoặc hội chứng cai corticosteroid, trong đó có sự tăng các triệu chứng dị ứng. Tử vong đã xảy ra do thiểu năng tuyến thượng thận ở bệnh nhân hen trong và sau khi chuyển từ corticosteroid dùng toàn thân sang corticosteroid dạng khí dung; corticosteroid dạng khí dung không cung cấp corticosteroid toàn thân cần thiết để điều trị bệnh nhân bị chấn thương, phẫu thuật, hoặc nhiễm khuẩn.
Khi chuyển sang dạng thuốc xịt qua miệng, các bệnh dị ứng trước đây đã ổn định (viêm mũi, viêm kết mạc, eczema), nay có thể trở lại. Sau khi xịt, nếu thở khò khè, có thể do co thắt phế quản, phải ngừng corticosteroid và cho dùng ngay một thuốc giãn phế quản tác dụng nhanh. Khi bị stress hoặc cơn hen nặng, cần phải bổ sung corticosteroid bằng đường uống hoặc tiêm. Dùng corticosteroid thận trọng ở bệnh nhân suy gan, suy thận.
Thuốc xịt mometason furoat có thể làm nặng thêm các bệnh đang có như bệnh lao, các bệnh nhiễm vi khuẩn, siêu vi khuẩn, nấm hoặc ký sinh trùng, hoặc herpes mắt. Các bệnh thủy đậu hoặc sởi có thể tiến triển nặng hơn hoặc thậm chí gây tử vong ở bệnh nhân nhạy cảm.
Tránh dùng corticosteroid xịt vào mũi ở bệnh nhân mới bị loét vách mũi, hoặc mới phẫu thuật mũi hoặc chấn thương mũi.
Corticosteroid xịt qua miệng và xịt vào mũi thời gian dài có thể gây giảm tỷ trọng chất khoáng của xương và gây giảm tốc độ lớn ở bệnh nhi. Các liệu pháp này cũng có thể gây tăng nhãn áp và/hoặc đục thể thủy tinh dưới bao. Để giảm thiểu tác dụng toàn thân của corticosteroid xịt qua miệng hoặc xịt vào mũi, mỗi bệnh nhân phải được chuẩn độ tới liều thấp nhất có hiệu quả. Theo dõi mức độ lớn của bệnh nhi theo thường lệ. Nói chung, dùng liều nhỏ nhất có hiệu quả và trong thời gian ngắn nhất để giảm thiểu tác dụng không mong muốn. Cần phải giảm dần liều trước khi ngừng điều trị. Có báo cáo về triệu chứng cai corticosteroid toàn thân khi ngừng liệu pháp xịt (đau khớp/cơ, mỏi mệt, trầm cảm).
Thời kỳ mang thai
Không có nghiên cứu đầy đủ và có kiểm chứng tốt về sử dụng mometason furoat tại chỗ hoặc xịt trong thời kỳ mang thai. Tránh dùng thuốc với lượng lớn kéo dài trong thời kỳ mang thai. Suy tuyến thượng thận có thể xảy ra ở trẻ sơ sinh có mẹ dùng corticosteroid trong thời kỳ mang thai. Theo dõi chặt chẽ các trẻ nhỏ này sau khi sinh. Sau khi xịt qua miệng, dưới 1% của một liều đơn 400 microgam được hấp thu toàn thân ở người mẹ. Chỉ dùng thuốc xịt mometason furoat trong thời kỳ mang thai nếu lợi ích đạt được có thể biện minh cho nguy cơ có thể xảy ra với thai.
Thời kỳ cho con bú
Không biết mometason furoat có bài tiết trong sữa người hay không, các corticosteroid khác được bài tiết trong sữa người. Phải sử dụng cẩn thận mometason furoat trong thời kỳ cho con bú.
Tác dụng không mong muốn (ADR)
Xịt vào mũi/xịt qua miệng:
Thường gặp, ADR > 1/100
TKTW: Nhức đầu, mệt mỏi, trầm cảm, đau.
Thần kinh – cơ và xương: Đau cơ – xương, đau khớp, đau lưng, đau cơ.
Hô hấp: Viêm mũi, nhiễm khuẩn đường hô hấp trên, viêm họng, ho, chảy máu cam.
Tim mạch: Đau ngực.
Tiêu hoá: Đau bụng, chán ăn, họng khô, tiêu chảy, khó tiêu, đầy hơi, viêm dạ dày – ruột, buồn nôn, nôn.
Sinh dục – niệu: Đau kinh.
Mắt: Viêm kết mạc
Tai: Đau tai, viêm tai giữa.
Khác: Nhiễm siêu vi khuẩn, bệnh nấm Candida miệng, hội chứng giống cúm.
Ít gặp, ADR < 1/100 (giới hạn ở ADR quan trọng hoặc đe doạ sự sống)
Phản vệ, phù mạch, chậm lớn, bệnh nấm Candida mũi, cảm giác rát bỏng và kích thích mũi, thủng vách mũi, loét mũi, bệnh nấm Candida miệng.
Hiếm gặp, ADR < 1/1 000
Rối loạn khứu giác, rối loạn vị giác.
Dùng tại chỗ:
Thường gặp, ADR > 1/100
Da: Nhiễm khuẩn da, bỏng, nhọt, ngứa, teo da, đau nhói, buốt.
Ít gặp, ADR < 1/100 (giới hạn ở ADR quan trọng hoặc đe doạ sự sống)
Viêm nang lông, ức chế trục HPA (bệnh nhi), bệnh nấm, dị cảm, trứng cá đỏ, mất sắc tố da, teo da.
Liều lượng và cách dùng
Mometason furoat xịt qua miệng:
Cách dùng:
Mometason furoat bột khô được dùng xịt qua miệng bằng một dụng cụ xịt thuốc. Trước khi xịt thuốc, bệnh nhân phải thở ra hết sức; không được thở ra vào dụng cụ xịt. Sau đó bệnh nhân đặt ống ngậm dụng cụ xịt vào giữa hai môi và hít vào nhanh và sâu qua bình xịt. Không được phủ kín lỗ thông hơi ở 2 bên dụng cụ. Bệnh nhân bỏ dụng cụ xịt ra khỏi miệng, nín thở trong vài giây (khoảng 10 giây), rồi thở ra chậm. Súc miệng sau khi xịt mometason để giảm thiểu ADR toàn thân hoặc tại chỗ. Khi mometason được dùng ngày 1 lần, dùng vào buổi tối để có hiệu lực tối ưu.
Liều lượng:
Bệnh hen: Ở trẻ em 4 – 11 tuổi, liều ban đầu và tối đa của mometason furoat là 110 microgam, ngày một lần vào buổi tối, không kể đến trị liệu trước đó.
Liều ban đầu của mometason furoat đối với người lớn và thiếu niên ≥12 tuổi đã dùng hoặc đang dùng đơn trị liệu với thuốc giãn phế quản hoặc corticosteroid xịt là 220 microgam ngày 1 lần vào buổi tối. Nếu hen không đỡ sau 2 tuần điều trị với liều ban đầu ở người lớn và thiếu niên, dùng liều cao hơn để kiểm soát bệnh tốt hơn; liều tối đa khuyến cáo dùng cho các bệnh nhân này là 440 microgam mỗi ngày, dùng một lần mỗi ngày vào buổi tối, hoặc chia làm 2 liều.
Ở người lớn và thiếu niên ≥ 12 tuổi đang dùng corticosteroid uống, liều ban đầu và tối đa được khuyến cáo là 440 microgam 2 lần mỗi ngày.
Chuyển sang liệu pháp xịt qua miệng ở bệnh nhân đang dùng corticosteroid toàn thân: Bệnh nhân hen phải tương đối ổn định trước khi bắt đầu dùng liệu pháp xịt qua miệng. Đầu tiên, dùng mometason furoat xịt đồng thời với liều duy trì của corticosteroid toàn thân. Thực hiện việc giảm liều corticosteroid toàn thân ít nhất 1 tuần sau khi bắt đầu dùng mometason furoat xịt qua miệng, và không giảm liều hàng ngày quá 2,5 mg prednison (hoặc chất tương đương) trong mỗi tuần.
Mometason furoat xịt vào mũi:
Cách dùng:
Dịch treo được dùng để xịt qua mũi bằng một dụng cụ xịt qua mũi đặc biệt. Trước khi dùng lần đầu dụng cụ xịt, bơm khởi động 10 lần hoặc tới khi một bụi nước nhỏ li ti xuất hiện. Liều lượng của mometason furoat monohydrat được tính theo thuốc dạng khan. Mỗi lần xịt cung cấp 50 microgam mometason furoat. Viêm mũi dị ứng: Để điều trị viêm mũi dị ứng theo mùa hoặc quanh năm, liều mometason furoat thường dùng ở người lớn và trẻ em 12 tuổi trở lên là 100 microgam (2 lần xịt) vào mỗi lỗ mũi mỗi ngày (tổng liều mỗi ngày 200 microgam). Trẻ em 2 – 11 tuổi, liều mometason furoat thường dùng là 50 microgam (1 lần xịt) vào mỗi lỗ mũi mỗi ngày (tổng liều mỗi ngày 100 microgam).
Để dự phòng viêm mũi dị ứng theo mùa ở người lớn và trẻ em 12 tuổi trở lên có dị ứng nguyên theo mùa được biết rõ, liều mometason furoat là 200 microgam mỗi ngày (2 lần xịt vào mỗi lỗ mũi mỗi ngày) bắt đầu 2 – 4 tuần trước lúc dự kiến bắt đầu mùa phấn hoa.
Bệnh polip mũi: Để điều trị bệnh polip mũi, liều mometason furoat thường dùng ở bệnh nhân 18 tuổi trở lên là 100 microgam (2 lần xịt) vào mỗi lỗ mũi 2 lần mỗi ngày (tổng liều mỗi ngày 400 microgam). Liều mometason furoat 100 microgam (2 lần xịt) vào mỗi lỗ mũi ngày 1 lần (tổng liều mỗi ngày 200 microgam) có thể có hiệu quả ở một số bệnh nhân.
Mometason furoat dùng tại chỗ:
Kem và thuốc mỡ dùng tại chỗ được bôi thành một màng mỏng và được xoa vào vùng bị bệnh, thường mỗi ngày một lần. Kem và thuốc mỡ cũng được bôi ngày 2 lần.
Dạng thuốc xức: Nhỏ vài giọt thuốc xức mometason furoat vào vùng bị bệnh ngày một lần bằng cách giữ miệng lọ gần vùng này và bóp nhẹ nhàng. Không dùng các chế phẩm mometason furoat với băng kín. Báo trước cho bệnh nhân biết không được băng, phủ lên trên hoặc bọc kín các vùng da được điều trị trừ khi có sự chỉ dẫn của bác sỹ.
Tương tác thuốc
Các thuốc ức chế isoenzym CYP3A4: Vì mometason furoat được chuyển hóa chủ yếu ở gan bởi isoenzym cytochrom P450 (CYP) 3A4, việc dùng đồng thời với các thuốc là chất ức chế mạnh isoenzym CYP3A4 (như ketoconazol) có thể dẫn đến sự tăng nồng độ trong huyết tương của mometason.
Độ ổn định và bảo quản
Các chế phẩm của mometason furoat được bảo quản ở nhiệt độ sau: Kem: 2 – 25 °C; thuốc xức: 2 – 30 °C; thuốc mỡ: 15 – 30 °C; thuốc xịt mũi: 15 – 30 °C; thuốc xịt qua miệng: 25 °C.
Vứt bỏ khi ống đếm liều chỉ “00” (hoặc 45 ngày sau khi mở ống, lọ đựng thuốc).
Thông tin quy chế
Mometason furoat có trong Danh mục thuốc tân dược thuộc phạm vi thanh toán của quỹ bảo hiểm y tế, năm 2015.
Tên thương mại
Elomet; Momate; Mome-Air; Momesone; Motaneal; Nasonex; Nazoster; Sagamome.
Nguồn tham khảo
Bộ Y tế (2018), Dược thư Quốc gia Việt Nam 2018, NXB Y học
Thông tin về y học chỉ mang tính tham khảo, bạn cần hỏi ý kiến của thầy thuốc trước khi áp dụng cho mình và người thân. Với mỗi người việc đáp ứng với các liệu trình điều trị là khác nhau tùy thuộc cơ địa bản thân !