fbpx
Máy Vật lý trị liệu Quân đội

Propranolol

Propranolol.png

Tên chung quốc tế

Propranolol

Mã ATC

C07AA05

Loại thuốc

Chẹn beta adrenergic

Dạng thuốc và hàm lượng

Propranolol được dùng dưới dạng propranolol hydroclorid.

Nang tác dụng kéo dài: 60 mg, 80 mg, 120 mg, 160 mg.

Viên nén: 10 mg, 20 mg, 40 mg, 60 mg, 80 mg, 90 mg.

Dung dịch: 20 mg/5 ml; 40 mg/5 ml; 80 mg/5 ml.

Thuốc tiêm: 1 mg/ml.

Dược lý và cơ chế tác dụng

Các thuốc chẹn beta-adrenergic ức chế tác dụng của các chất dẫn truyền thần kinh giao cảm bằng cơ chế cạnh tranh ở các vị trí gắn thụ thể. Khi chúng chủ yếu chẹn các thụ thể beta1 ở mô tim thì được coi là chọn lọc với tim. Khi chúng chẹn cả thụ thể beta1 và thụ thể beta2 (chủ yếu khu trú ở các mô khác ngoài tim), thì được coi là không chọn lọc.

Propranolol là một thuốc chẹn beta adrenergic không chọn lọc, có tác dụng ổn định màng tế bào. Các yếu tố có thể tham gia góp phần vào tác dụng chống tăng huyết áp của propranolol là giảm cung lượng tim, ức chế thận giải phóng renin, phong bế thần kinh giao cảm từ trung tâm vận mạch ở não đi ra. Lúc đầu sức cản của mạch ngoại vi có thể tăng, sau đợt điều trị lâu dài sẽ giảm. Thuốc ít ảnh hưởng đến thể tích huyết tương. Ở người bệnh tăng huyết áp, propranolol gây tăng nhẹ kali huyết.

-9%
Bán chạy

Máy vật lý trị liệu Bộ Quốc phòng

[Wonder MF508N] Máy vật lý trị liệu Wonder MF5-08N (New)

Giá gốc là: 3.600.000₫.Giá hiện tại là: 3.290.000₫.
10.990.000
Mua
-6%
Giá gốc là: 3.700.000₫.Giá hiện tại là: 3.490.000₫.
Mua
BH 20 năm
Mua

Tác dụng trong điều trị cơn đau thắt ngực là làm giảm nhu cầu sử dụng oxygen của cơ tim do ngăn cản tác dụng tăng tần số tim của catecholamin, giảm huyết áp tâm thu, giảm tốc độ và mức độ co cơ tim. Tác dụng chẹn beta adrenergic rất có lợi, biểu hiện bằng chậm xuất hiện đau trong gắng sức và tăng khả năng làm việc.

Propranolol thể hiện tác dụng chống loạn nhịp ở những nồng độ liên quan đến chẹn beta adrenergic, và đó là cơ chế tác dụng chính chống loạn nhịp của thuốc: Với liều dùng lớn hơn liều chẹn beta adrenergic thuốc có tác dụng giống quinidin, hoặc giống thuốc tê về tính ổn định màng để điều trị các chứng loạn nhịp.

Propranolol còn có tác dụng giảm và ngăn chặn chứng đau nửa đầu do tác động lên các thụ thể beta giao cảm ở các mạch trên màng mềm não và do đó phong bế các co thắt tiểu động mạch trên vỏ não.

Trong bệnh cường giáp, propranolol làm giảm nồng độ T3 và không ảnh hưởng đến T4.

Propranolol cũng có tác dụng giảm áp lực tĩnh mạch cửa, giảm lưu lượng tuần hoàn bàng hệ gánh – chủ ở người bệnh xơ gan.

Cơ chế tác dụng đặc hiệu chống run (tremor) của propranolol chưa được sáng tỏ; có thể là tác dụng ở thụ thể beta2 (không ở tim) hoặc có thể là tác dụng ở TKTW. Propranolol có hiệu quả tốt trong run sinh lý và run vô căn.

Tác dụng chẹn beta gây co thắt phế quản do ngăn cản tác dụng giãn phế quản beta-adrenergic, do đó cần thận trọng ở người bệnh hen phế quản khi chỉ định dùng propranolol.

Dược động học

Propranolol được hấp thu gần hoàn toàn ở đường tiêu hóa nhưng nồng độ đạt được trong huyết thanh khác nhau ở từng người bệnh. Không có sự khác biệt về tỉ lệ hấp thu của hai đồng phân isomer của propranolol. Thuốc vào trong huyết tương sau khi uống 30 phút và sau 60 – 90 phút đạt nồng độ tối đa. Sinh khả dụng đường uống của propranolol tăng ở các trẻ bị hội chứng Down.

Sinh khả dụng của liều đơn 40 mg propranolol dạng viên nén và dạng dung dịch như nhau. Propranolol hydroclorid dạng viên giải phóng kéo dài hấp thụ chậm, đạt nồng độ tối đa sau khi uống 6 giờ. Khi đo trạng thái ổn định trong vòng 24 giờ, diện tích dưới đường cong (AUC) của viên giải phóng kéo dài bằng 60 – 65% diện tích dưới đường cong (AUC) ở viên nén dùng liều chia nhiều lần một ngày. Diện tích dưới đường cong thấp hơn có thể do dạng viên giải phóng kéo dài hấp thu chậm hơn dẫn đến chuyển hóa nhiều hơn ở gan. Sau khi uống liều đơn viên giải phóng kéo dài, nồng độ trong máu propranolol hằng định trong vòng 12 giờ và giảm trong 12 giờ tiếp theo.

Tiêm tĩnh mạch liều 0,5 mg propranolol, tác dụng gần như ngay lập tức, sau 1 phút đạt nồng độ tối đa và sau 5 phút không còn thấy trong huyết tương.

Propranolol được phân bố rộng rãi vào các mô trong cơ thể kể cả phổi, gan, thận, tim. Thuốc dễ dàng qua hàng rào máu – não, vào nhau thai và phân bố trong sữa mẹ.

Nửa đời thải trừ ở trẻ em 3,9 – 6,4 giờ, có thể tăng lên ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, người lớn 3 – 6 giờ (dạng chế phẩm giải phóng hoạt chất tức thời) và 8 – 10 giờ (dạng chế phẩm giải phóng kéo dài).

Trên 90% propranolol liên kết với protein huyết tương. Khi dùng đường uống thuốc được chuyển hóa thành dạng hoạt hóa 4-hydroxypropranolol, chất này có tác dụng chẹn thụ thể beta adrenergic giống propranolol và có nồng độ trong huyết thanh bằng nồng độ propranolol. Chất chuyển hóa này bị thải trừ nhanh hơn propranolol và gần như thải trừ hết khỏi vòng tuần hoàn sau 6 giờ. Khi tiêm tĩnh mạch hay uống thuốc dạng giải phóng kéo dài không tạo ra 4-hydroxypropranolol nên hiệu quả ức chế beta giao cảm chỉ thể hiện qua nồng độ propranolol. Có sự khác nhau giữa các cá thể về sự hydroxy hóa propranolol. Các chất chuyển hóa khác của propranolol có hoạt tính chống loạn nhịp mà không có tác dụng chẹn thụ thể beta giao cảm.

Thuốc được chuyển hóa gần hoàn toàn ở gan; có ít nhất 8 chất chuyển hóa được tìm thấy trong nước tiểu. Chỉ 1 – 4% liều dùng được thải qua phân dưới dạng không chuyển hóa và dạng chuyển hóa. Ở người bệnh suy thận nặng, có sự tăng đào thải bù trừ qua phân. Propranolol được thải trừ không đáng kể bằng thẩm tách.

Chỉ định

Tăng huyết áp; đau thắt ngực do xơ vữa động mạch vành; loạn nhịp tim (loạn nhịp nhanh trên thất…); nhồi máu cơ tim; đau nửa đầu; run vô căn; bệnh cơ tim phì đại hẹp đường ra thất trái; u tế bào ưa crom.

Ngăn chặn chết đột ngột do tim, sau nhồi máu cơ tim cấp; điều trị hỗ trợ loạn nhịp và nhịp nhanh ở người bệnh cường giáp ngắn ngày (2 – 4 tuần); ngăn chặn chảy máu tái phát ở người bệnh tăng áp lực tĩnh mạch cửa và giãn tĩnh mạch thực quản.

Chống chỉ định

Mẫn cảm với propranolol, các thuốc chẹn beta hoặc với bất cứ thành phần nào của thuốc.

Sốc tim; hội chứng Raynaud; nhịp xoang chậm và blốc nhĩ thất độ 2 – 3; hen phế quản.

Suy tim sung huyết, trừ khi suy tim thứ phát do loạn nhịp nhanh có thể điều trị được bằng propranolol.

Bệnh nhược cơ.

Người bệnh co thắt phế quản do thuốc chẹn beta giao cảm ức chế sự giãn phế quản do catecholamin nội sinh.

Đau thắt ngực thể prinzmetal, nhịp chậm, acid chuyển hóa, bệnh mạch máu ngoại vi nặng.

Không chỉ định propranolol trong trường hợp cấp cứu do tăng huyết áp.

Ngộ độc cocain và các trường hợp co mạch do cocain.

Phối hợp với các thioridazin do propranolol làm tăng nồng độ trong máu của thioridazin, làm kéo dài khoảng QT.

Thận trọng

ADR nặng hơn và xảy ra thường xuyên hơn sau khi tiêm tĩnh mạch so với uống propranolol.

Ngừng thuốc đột ngột có thể làm nặng lên tình trạng đau thắt ngực hoặc nhồi máu cơ tim ở người bệnh mắc các bệnh mạch vành. Phải ngừng thuốc từ từ và cần được theo dõi chặt chẽ. Nếu tình trạng đau thắt ngực nặng hơn cần sử dụng lại propranolol và đánh giá tình trạng bệnh để xử trí các cơn đau thắt ngực không ổn định.

Do có tác dụng làm chậm nhịp tim, nếu nhịp tim quá chậm cần phải giảm liều.

Thận trọng ở người bệnh có rối loạn chức năng nút xoang.

Thận trọng khi sử dụng propranolol để kiểm soát loạn nhịp trong quá trình gây mê với thuốc gây mê ức chế tim mạch (như methoxyfluran, tricloroethylen) do làm ức chế tim mạch quá mức xảy ra nhịp chậm và hạ huyết áp.

Thận trọng ở người bệnh có tiền sử co thắt phế quản không do nguyên nhân dị ứng (như viêm phế quản, tràn khí). Thuốc chẹn beta-adrenergic có tăng cản trở đường thở và tăng co thắt phế quản, đặc biệt ở người bệnh có tiền sử dị ứng. Co thắt phể quản có thể điều trị bằng tiêm tĩnh mạch aminophylin, isoproterenol. Có thể tiêm tĩnh mạch atropin nếu người bệnh không đáp ứng với hai thuốc trên hoặc xảy ra nhịp chậm.

Thận trọng ở người suy thận hoặc suy gan. Cần phải giảm liều và theo dõi kết quả xét nghiệm chức năng thận hoặc gan đối với người dùng thuốc dài ngày.

Ở người bệnh tăng áp lực tĩnh mạch cửa, chức năng gan bị suy giảm nặng và có nguy cơ xuất hiện bệnh não – gan.

Cần thận trọng khi cho người bệnh đổi thuốc từ clonidin sang các thuốc chẹn beta.

Propranolol không ảnh hưởng đến khả năng lái xe và vận hành máy móc.

Khi điều trị bằng propranolol làm giảm nhãn áp, có thể ảnh hưởng đến xét nghiệm kiểm tra glôcôm. Ngừng propranolol có thể làm tăng nhãn áp.

Cần thận trọng ở trẻ em mắc hội chứng Down do sinh khả dụng của propranolol đường uống tăng ở người bệnh này.

Người già: Chưa có đầy đủ nghiên cứu lâm sàng. Cần thận trọng khi dùng propranolol ở người cao tuổi và dùng liều khởi đầu thấp nhất.

Thời kỳ mang thai

Độ an toàn của propranolol đối với người mang thai chưa được xác định. Chỉ dùng thuốc khi đã cân nhắc kỹ giữa lợi ích chữa bệnh và nguy cơ đối với thai. Thuốc chẹn thụ thể beta-adrenergic làm giảm sự phát triển của bào thai, hạ đường huyết ở trẻ sơ sinh, chậm nhịp và nặng hơn ở người bệnh tăng huyết áp nghiêm trọng. Ở trẻ sinh nhẹ cân, ức chế hô hấp, hạ đường huyết xảy ra khi mẹ sử dụng propranolol trong quá trình mang thai.

Thời kỳ cho con bú

Thuốc bài tiết ra sữa, nên dùng thận trọng với phụ nữ cho con bú.

Tác dụng không mong muốn (ADR)

Hầu hết tác dụng nhẹ và thoáng qua, rất hiếm khi phải ngừng thuốc.

Ít gặp, 1/1 000 < ADR < 1/100

Tim mạch: Nhịp chậm đặc biệt là ở người bệnh đang dùng các thuốc digitalis, propranolol gây nhịp chậm nghiêm trọng ở người bệnh bị hội chứng Wolff – Parkinson – White. Suy tim sung huyết, blốc nhĩ thất; hạ huyết áp; ban xuất huyết giảm tiểu cầu; giảm tưới máu động mạch thường là dạng Raynaud. Ở người bệnh điều trị đau thắt ngực bằng propranolol, nếu dừng thuốc đột ngột có thể tăng tần suất, thời gian và mức độ nặng của cơn đau thắt, thường xảy ra trong vòng 24 giờ. Các cơn này không ổn định và không đáp ứng với nitroglycerin. Nhồi máu cơ tim và một vài trường hợp tử vong đã xảy ra khi ngừng đột ngột propranolol trong điều trị đau thắt ngực. Ở người bệnh cao huyết áp sau khi ngừng đột ngột propranolol, người bệnh có các triệu chứng như ngộ độc giáp, căng thẳng, lo lắng, ra mồ hôi quá mức, nhịp nhanh. Các triệu chứng này xảy ra trong vòng 1 tuần sau khi ngừng thuốc đột ngột và hết sau khi sử dụng lại propranolol. Có thể xảy ra hạ huyết áp nghiêm trọng trong quá trình phẫu thuật với người bệnh đang dùng propranolol, và khó bắt đầu và duy trì lại nhịp tim, tác dụng phụ này có thể điều trị bằng cách tiêm tĩnh mạch thuốc chủ vận beta adrenergic. Ở người bệnh tâm thần phân liệt có thể bị hạ huyết áp khi tăng nhanh liều propranolol, điều trị tác dụng phụ này bằng cách tiêm tĩnh mạch phentolamin sau đó uống phenoxybenzamin.

Thần kinh: Một số ADR về thần kinh thường hồi phục sau khi ngừng thuốc. Khi điều trị kéo dài với liều cao có thể gặp: Đau đầu nhẹ, chóng mặt, mất điều hòa, dễ bị kích thích, giảm thính giác, rối loạn thị giác, ảo giác, lú lẫn, mất ngủ, mệt nhọc, yếu ớt, trầm cảm dẫn tới giảm trương lực. Liều trên 160 mg khi chia thành các liều trên 80 mg/lần làm tăng nguy cơ mệt mỏi, ngủ lịm. Một số dấu hiệu khác như: Mất phương hướng về thời gian và không gian, giảm trí nhớ ngắn hạn, dễ xúc động, dị cảm ở bàn tay, bệnh thần kinh ngoại biên.

Da và phản ứng quá mẫn: Mẩn ngứa, ban đỏ, khô da, vảy, tổn thương vảy nến ở thân, chi và da đầu, rụng lông tóc. Dày sừng ở da đầu, lòng bàn tay, gan bàn chân. Thay đổi móng như dày móng, ấn lõm, và mất màu móng.

Hô hấp: Co thắt phế quản, viêm họng, sốt kèm theo đau rát họng, co thắt thanh quản, viêm thanh quản, suy hô hấp cấp.

Máu: Tăng bạch cầu ưa eosin, giảm bạch cầu hạt, ban xuất huyết giảm tiểu cầu, hoặc không giảm tiểu cầu.

Tiêu hóa: Buồn nôn, nôn, co cứng thành bụng, đau thượng vị, ỉa chảy, táo bón, đầy hơi. Huyết khối tĩnh mạch mạc treo ruột, viêm kết tràng thiếu máu cục bộ.

Nội tiết: Hạ đường huyết gây mất ý thức có thể xảy ra ở người bệnh không mắc đái tháo đường đang sử dụng propranolol. Người bệnh đang dùng propranolol có nhiều nguy cơ hạ đường huyết là những người bệnh lọc máu, nhịn đói lâu, tập thể dục quá mức. Thuốc chẹn beta giao cảm có thể che lấp các triệu chứng và dấu hiệu hạ đường huyết (như nhịp nhanh, đánh trống ngực, run rẩy) và dấu hiệu gây hạ đường huyết do insulin.

Tự miễn: Rất hiếm xảy ra nhưng cũng đã ghi nhận được lupus ban đỏ hệ thống.

ADR khác: Rụng tóc, khô mắt, liệt dương. Propranolol có thể gây tăng urê huyết ở người bệnh mắc bệnh tim mạch nặng, tăng creatinin huyết, tăng aminotransferase, tăng phosphatase kiềm.

Liều lượng và cách dùng

Nếu chuyển từ dạng viên nén sang dạng viên giải phóng kéo dài cần theo dõi người bệnh chặt chẽ để đảm bảo duy trì hiệu quả điều trị.

Đường uống:

Người lớn:

Tăng huyết áp: Đơn trị liệu: Liều dùng phải dựa trên đáp ứng của mỗi cá thể. Khởi đầu: 20 – 40 mg/lần, 2 lần/ngày với dạng viên nén hoặc dung dịch uống hoặc 80 mg với dạng viên giải phóng kéo dài, dùng một mình hoặc phối hợp với thuốc lợi tiểu. Tăng dần liều cách nhau từ 3 – 7 ngày, cho đến khi huyết áp ổn định ở mức độ yêu cầu. Liều thông thường có hiệu quả: 160 – 320 mg/ngày. Một số trường hợp phải yêu cầu tới 640 mg/ngày. Thời gian để đạt được đáp ứng hạ áp từ vài ngày tới vài tuần. Liều duy trì là 120 – 240 mg/ngày với dạng viên nén hoặc dung dịch uống hoặc 120 – 160 mg với dạng viên giải phóng kéo dài. Khi cần phối hợp với thuốc lợi tiểu thiazid, đầu tiên phải hiệu chỉnh liều riêng từng thuốc.

Trong liệu pháp kết hợp: Không nên dùng ngay dạng bào chế phối hợp propranolol với thuốc lợi tiểu thiazid. Điều trị bằng dạng bào chế phối hợp propranolol với hydroclorothiazid 2 lần/ngày với tổng liều lên đến 160 mg với propranolol và 50 mg với hydroclorothiazid. Sử dụng dạng bào chế phối hợp không thích hợp khi liều propronolol lớn hơn 160 mg. Khi cần có thể phối hợp thêm một thuốc hạ huyết áp khác với liều bằng một nửa liều khởi đầu để tránh nguy cơ hạ huyết áp quá mức.

Đau thắt ngực: Dạng viên nén: Liều khởi đầu 40 mg, 2 – 3 lần một ngày và tăng lên đến 120 – 240 mg/ngày, một số người bệnh có thể cần dùng đến liều 320 mg/ngày. Nếu cho ngừng điều trị, phải giảm liều từ từ trong vài tuần. Nên phối hợp propranolol với nitroglycerin.

Dạng viên giải phóng kéo dài propranolol hydroclorid: Liều khởi đầu là 80 mg/ngày, tăng dần liều mỗi 3 – 7 ngày để kiểm soát triệu chứng nếu cần. Mặc dù liều tối ưu thường là 160 mg/ngày nhưng có sự khác nhau ở từng người bệnh.

Loạn nhịp: 10 – 30 mg/lần, 3 – 4 lần/ngày với dạng viên nén hoặc dung dịch uống, uống trước khi ăn và trước khi ngủ.

Trường hợp loạn nhịp tim đe dọa tính mạng trong quá trình gây mê, tiêm tĩnh mạch 1 – 3 mg propranolol đồng thời theo dõi chặt chẽ người bệnh trong khi tiêm thuốc (như theo dõi điện tim, huyết áp tĩnh mạch trung tâm). Nếu cần thiết tiêm tĩnh mạch liều thứ hai sau hai phút. Liều tiêm tĩnh mạch tiếp theo phải sau đó ít nhất bốn giờ cho đến khi đạt được đáp ứng mong muốn.

Trường hợp cấp cứu do loạn nhịp, tiêm tĩnh mạch chậm trên 1 phút 1 mg propranolol, lặp lại mỗi 2 phút nếu cần cho đến liều tối đa 10 mg ở người bệnh tỉnh táo và 5 mg ở người bệnh đang trong quá trình gây mê.

Nhồi máu cơ tim: Không dùng khi có cơn nhồi máu cơ tim cấp, điều trị duy trì với propranolol chỉ nên bắt đầu sau cơn nhồi máu cơ tim cấp tính vài ngày. Liều mỗi ngày 180 – 240 mg, chia làm nhiều lần với dạng viên nén và dung dịch uống, bắt đầu sau cơn nhồi máu cơ tim từ 5 – 21 ngày. Chưa rõ hiệu quả và độ an toàn của liều cao hơn 240 mg để phòng tránh tử vong do tim. Tuy nhiên cho liều cao hơn có thể là cần thiết để điều trị có hiệu quả khi có bệnh kèm theo như đau thắt ngực hoặc tăng huyết áp. Mặc dù trong các thử nghiệm lâm sàng liều dùng propranolol được chia thành 2 – 4 lần/ ngày, nhưng các dữ liệu về dược động học và dược lực học cho thấy chia 2 lần ngày đã đạt được hiệu quả. Thuốc chẹn beta adrenergic đạt hiệu quả tối ưu nếu uống thuốc liên tục từ 1 – 3 năm sau đột quỵ nếu không có chống chỉ định dùng chẹn beta-adrenergic.

Để phòng nhồi máu tái phát và đột tử do tim, sau cơn nhồi máu cơ tim cấp, uống 80 mg/lần, 2 lần/ngày, đôi khi cần đến 3 lần/ngày. Đau nửa đầu: Phải dò liều theo từng người bệnh. Liều khởi đầu 80 mg/ngày với dạng viên nén hoặc dạng dung dịch uống chia làm nhiều lần hoặc 1 lần/ngày với dạng viên giải phóng kéo dài. Liều đạt hiệu quả điều trị thông thường là 80 – 240 mg/ngày. Có thể tăng liều dần dần để đạt hiệu quả tối ưu dự phòng đau nửa đầu. Nếu hiệu quả không đạt sau 4 – 6 tuần đã dùng đến liều tối đa, nên ngừng dùng propranolol bằng cách giảm liều từ từ trong vài tuần.

Run vô căn: Phải dò liều theo từng người bệnh. Liều khởi đầu: 40 mg/lần, 2 lần/ngày với dạng viên nén. Đáp ứng rất khác nhau trên từng người bệnh.

Thường đạt hiệu quả tốt với liều 120 mg/ngày, đôi khi phải dùng tới 240 – 320 mg/ngày. Một số bằng chứng cho thấy liều trên 320 mg không tăng hiệu quả điều trị mà tăng các ADR.

Bệnh cơ tim phì đại gây hẹp đường ra thất trái: 20 – 40 mg/lần, 3 – 4 lần/ngày, trước khi ăn và đi ngủ với dạng viên nén hoặc dung dịch uống hoặc 80 – 160 mg, 1 lần/ngày với viên giải phóng kéo dài. U tế bào ưa crom: 60 mg/ngày dạng viên nén hoặc dung dịch uống, chia nhiều lần, dùng 3 ngày trước phẫu thuật, phối hợp với thuốc chẹn alpha-adrenergic. Là liệu pháp phối hợp với thuốc chẹn alpha-adrenergic trong điều trị kéo dài trong phẫu thuật u tế bào ưa crom, liều 30 mg propranolol hydroclorid chia thành nhiều lần một ngày đã đạt được hiệu quả.

Với khối u không mổ được: Điều trị hỗ trợ dài ngày, 30 mg/ngày, chia làm nhiều lần.

Tăng năng giáp: Dùng liều từ 10 – 40 mg, ngày uống 3 hoặc 4 lần. Có khi cần phải tiêm tĩnh mạch; liều 1 mg tiêm tĩnh mạch trong 1 phút, lặp lại cách nhau 2 phút, cho tới khi có đáp ứng hoặc cho tới liều tối đa 10 mg ở người bệnh tỉnh táo hoặc 5 mg ở người bệnh gây mê.

Tăng áp lực tĩnh mạch cửa: Liều đầu tiên 40 mg, 2 lần/ngày; liều có thể tăng khi cần, cho tới 160 mg, 2 lần/ngày.

Trẻ em:

Tăng huyết áp:

Trẻ sơ sinh: Liều khởi đầu 250 microgam/kg, 3 lần/ngày, nếu cần thiết có thể tăng dần đến liều tối đa 2 mg/kg, 3 lần/ngày.

Trẻ 1 tháng – 12 tuổi: 0,25 – 1 mg/kg, 3 lần/ngày, tăng liều hàng tuần nếu cần đến liều tối đa là 5 mg/kg, chia nhiều lần một ngày. Trẻ 12 – 18 tuổi: Liều khởi đầu 80 mg/ngày, tăng liều hàng tuần nếu cần, liều duy trì 160 – 320 mg/ngày, viên nén giải phóng kéo dài uống một lần một ngày.

Dự phòng đau nửa đầu

Trẻ 2 – 12 tuổi: Liều khởi đầu 200 – 500 microgam/kg, 2 lần/ngày, liều thông thường 10 – 20 mg, 2 lần/ngày, liều tối đa 2 mg/kg, 2 lần/ngày.

Trẻ 12 – 18 tuổi: Liều khởi đầu 20 – 40 mg, 2 lần/ngày, liều thông thường 40 – 80 mg, 2 lần/ngày, tối đa 2 mg/kg (tổng liều tối đa 120 mg), 2 lần/ngày.

Tứ chứng Fallot:

Trẻ sơ sinh: 0,25 – 1 mg/kg, 2 – 3 lần/ngày, tối đa 2 mg/kg, 3 lần/ngày.

Trẻ 1 tháng – 12 tuổi: 0,25 – 1 mg/kg, 3 – 4 ngày/lần, tối đa 5 mg/ kg/ngày chia nhiều liều.

Đường tiêm tĩnh mạch:

Người lớn: Trong trường hợp loạn nhịp đe dọa tính mạng hoặc xảy ra trong khi gây mê. Liều dùng 0,5 – 3 mg tiêm tĩnh mạch. Nếu cần thiết có thể tiêm tĩnh mạch một liều thứ hai sau 2 phút. Dùng các liều bổ sung với khoảng cách thời gian ít nhất là 4 giờ cho tới khi đạt đáp ứng mong muốn. Nên chuyển sang uống càng sớm càng tốt.

Trẻ em:

Tứ chứng Fallot: Tiêm tĩnh mạch chậm đồng thời theo dõi nhịp tim trong khi tiêm.

Trẻ sơ sinh: Liều khởi đầu 15 – 20 microgram/kg (tối đa 100 microgram/kg), lặp lại mỗi 12 giờ nếu cần.

Trẻ 1 tháng – 12 tuổi: Liều khởi đầu 15 – 20 microgram/kg (tối đa 100 microgram/kg), lặp lại mỗi 6 – 8 giờ nếu cần.

Điều chỉnh liều ở người suy gan:

Đối với người bệnh suy gan nặng, liệu pháp propranolol nên được bắt đầu bằng liều thấp: 20 mg, 3 lần/ngày hoặc 80 mg, ngày 1 lần với viên tác dụng kéo dài hoặc 160 mg, cách ngày 1 lần với viên giải phóng hoạt chất theo nhịp.

Phải theo dõi đều đặn nhịp tim và có biện pháp thích hợp để đánh giá ở người bệnh xơ gan.

Tương tác thuốc

Thuốc kháng acid: Nhôm hydroxyd, magnesi hydroxyd: Làm giảm hấp thu propranolol ở đường tiêu hóa.

Ethanol: Làm chậm hấp thu propranolol.

Người hút thuốc: Ức chế enzym chuyển hóa và tăng thải trừ làm nồng độ propranolol huyết thanh giảm.

Các phenothiazin và các thuốc điều trị rối loạn tâm thần: Tăng tác dụng và độc tính của cả các thuốc điều trị rối loạn tâm thần và propranolol.

Theophylin: Propranolol làm giảm sự thanh thải của theophylin. Phenytoin, phenobarbital, rifampicin: Cảm ứng enzyme gan làm tăng sự thanh thải propranolol.

Antipyrin và lidocain: Làm giảm sự thanh thải propranolol. Thuốc tác dụng trên thần kinh giao cảm: Bị giảm tác dụng do đối kháng.

Các thuốc kháng muscarin và kháng cholinergic (atropin): Làm mất tác dụng làm chậm nhịp tim của propranolol.

Thuốc làm giảm tác dụng của catecholamin (reserpin): Làm giảm huyết áp, chậm nhịp nặng, chóng mặt, ngất, hạ huyết áp thế đứng, tăng nguy cơ gây trầm cảm.

Thuốc chủ vận chọn lọc trên serotonin (zolmitriptan, rizatriptan): Tăng nồng độ của các thuốc dùng cùng propranolol.

Thuốc lợi tiểu: Tăng tác dụng hạ huyết áp của propranolol: Có lợi trong điều trị, phải chỉnh liều khi cần phối hợp.

Clonidin: Tác dụng hạ huyết áp của clonidin có thể bị đối kháng bởi các thuốc chẹn beta giao cảm của propranolol.

Các thuốc ức chế men chuyển (captopril, enalapril): Tăng tác dụng hạ huyết áp, đặc biệt ở các người bệnh nhồi máu cơ tim cấp. Tăng phản ứng phù mạch khi phối hợp propranolol với thuốc ức chế men chuyển.

Thuốc ức chế alpha giao cảm (terazosin, doxazosin, prazosin): Kéo dài thời gian hạ huyết áp, tăng nguy cơ tụt huyết áp tư thế.

Các thuốc chống loạn nhịp (lidocain, phenytoin, procainamid, quinidin): Tăng cường tác dụng hoặc đối kháng tác dụng, tăng độc tính trên tim.

Các thuốc chẹn kênh calci (verapamil): Hiệp đồng ức chế co cơ tim hoặc giảm dẫn truyền nhĩ thất (đặc biệt đường tiêm truyền tĩnh mạch).

Thuốc điều trị tăng lipid máu (cholestyramin, colestipol): Làm giảm nồng độ propranolol huyết thanh.

Wafarin: Tăng sinh khả dụng của wafarin và tăng thời gian prothrombin.

Thuốc ức chế thần kinh cơ (tubocurarin clorid): Làm giảm tác dụng của thuốc ức chế thần kinh cơ.

Thuốc điều trị đái tháo đường: Tăng nguy cơ xuất hiện cơn hạ đường huyết.

Các alkaloid nấm cựa gà: Tăng nguy cơ co mạch ngoại vi, đau và xanh tím khi phối hợp propranolol với liều cao ergotamin.

Thuốc chống viêm không steroid: Làm giảm tác dụng hạ huyết áp. Thyroxin (T4): Gây giảm nồng độ T3.

Thuốc tiêm tương hợp với dung dịch natri clorid 0,9%.

Độ ổn định và bảo quản

Bảo quản ở nhiệt độ 20 – 25 °C, tránh ánh sáng, thuốc viên tránh ẩm.

Tránh nhiệt độ cao và đông băng.

Dung dịch ổn định nhất ở pH 3 và bị phân hủy nhanh ở pH kiềm. Dung dịch propranolol phân hủy bởi oxy làm giảm pH và mất màu dung dịch.

Quá liều và xử trí

Triệu chứng:

Có ít thông tin về độc tính cấp của propranolol. Các triệu chứng của quá liều propranolol bao gồm nhịp chậm, hạ huyết áp nghiêm trọng, mất ý thức, co giật, giảm dẫn truyền, giảm co cơ tim, kéo dài khoảng QRS hoặc QT, blốc nhĩ thất, sốc, suy tim, ngừng tim, co thắt phế quản. Trong hầu hết các trường hợp, người bệnh hồi phục sau khi ngộ độc cấp propranolol nhưng đã có một số người bệnh bị độc tính nghiêm trọng dẫn đến tử vong.

Xử trí:

Propranolol không được thải trừ nhiều khi thẩm tách.

Nói chung, khi mới uống thì gây nôn; cần đề phòng tai biến trào ngược dịch dạ dày vào phổi.

Nhịp chậm: Dùng atropin (0,25 – 1 mg) tiêm tĩnh mạch, atropin ít có hiệu quả trong trường hợp nhịp chậm do thuốc. Nếu không có đáp ứng chẹn dây phế vị, dùng isoproterenol nhưng phải thận trọng. Trong trường hợp kháng thuốc, có thể phải đặt máy tạo nhịp. Suy tim: Dùng thuốc lợi tiểu và các thuốc điều trị suy tim khác.

Hạ huyết áp: Dùng các thuốc tăng huyết áp như noradrenalin hoặc dopamin. Glucagon cũng có thể có ích trong điều trị suy giảm cơ tim và giảm huyết áp. Do có thể không kiểm soát được việc tăng huyết áp thứ phát ở người bệnh điều trị kéo dài với propranolol nên epinephrin không được chỉ định trong trường hợp quá liều propranolol.

Co thắt phế quản: Dùng isoproterenol và aminophylin. Co giật: Sử dụng diazepam đường tĩnh mạch.

Các thuốc ức chế phosphodiesterase, truyền calci hoặc/và truyền insulin với glucose có hiệu quả trong kiểm soát quá liều propranolol.

Thông tin qui chế

Propranolol có trong Danh mục thuốc thiết yếu tân dược ban hành lần thứ VI, năm 2013 và Danh mục thuốc tân dược thuộc phạm vi thanh toán của quỹ bảo hiểm y tế, năm 2015.

Tên thương mại

Apo-Propranolol; Dorocardyl.

Nguồn tham khảo

Bộ Y tế (2018), Dược thư Quốc gia Việt Nam 2018, NXB Y học

Thông tin về y học chỉ mang tính tham khảo, bạn cần hỏi ý kiến của thầy thuốc trước khi áp dụng cho mình và người thân. Với mỗi người việc đáp ứng với các liệu trình điều trị là khác nhau tùy thuộc cơ địa bản thân !

-9%
Bán chạy

Máy vật lý trị liệu Bộ Quốc phòng

[Wonder MF508N] Máy vật lý trị liệu Wonder MF5-08N (New)

Giá gốc là: 3.600.000₫.Giá hiện tại là: 3.290.000₫.
10.990.000
Mua
-6%
Giá gốc là: 3.700.000₫.Giá hiện tại là: 3.490.000₫.
Mua
BH 20 năm
Mua
This entry was posted in P. Bookmark the permalink.
DMCA.com Protection Status