Tetracain là một ester của acid para-aminobenzoic có tác dụng gây tê rất mạnh, chậm, kéo dài và độc hơn procain, thuốc ngăn chặn xung động thần kinh hình thành và dẫn truyền dọc theo các sợi thần kinh
Tên chung quốc tế: Tetracaine.
Loại thuốc: Gây tê.
Dạng thuốc và hàm lượng
Dung dịch dùng tại chỗ: 0,25%; 0,5%, 2%.
Dung dịch nhỏ mắt: 0,25%; 0,5%.
Kem: 1%.
Gel: 4%
Thuốc mỡ: 0,5% (đơn thành phần hoặc dạng phối hợp)
Dung dịch tiêm: 1% (có chứa aceton natri bisulfit).
Bột pha tiêm: 20 mg.
Máy vật lý trị liệu Bộ Quốc phòng
Công ty Cổ phân TSun Việt Nam
[DoctorHome DH14] Máy trị liệu đa năng DoctorHome DH-14 (tiêu chuẩn)
Thiết bị điều trị nhiệt
Viên ngậm: 0,2 mg.
Dược lý và cơ chế tác dụng
Tetracain là một ester của acid para-aminobenzoic có tác dụng gây tê rất mạnh, chậm, kéo dài và độc hơn procain. Thuốc ngăn chặn xung động thần kinh hình thành và dẫn truyền dọc theo các sợi thần kinh do làm giảm tính thấm ion natri qua màng tế bào thần kinh.
Tác dụng này có tính chất hồi phục, làm ổn định màng và ức chế sự khử cực, làm giảm lan truyền điện thế hoạt động và sau đó thì ức chế dẫn truyền xung động thần kinh.
Khi một lượng lớn được hấp thu qua niêm mạc, thuốc gây kích thích hoặc ức chế hệ thần kinh trung ương. Tác dụng trên hệ tim mạch có thể gây giảm tính dẫn truyền và tính kích thích cơ tim, gây giãn mạch ngoạivi hơn thuốc tê dòng amid.
Dược động học
Thuốc rất dễ hấp thu qua niêm mạc vào hệ tuần hoàn, không được dùng thuốc ở vùng da bị tổn thương hoặc có tổn thương mạch máu.
Tốc độ hấp thu phụ thuộc vào hệ mạch và lưu lượng máu ở vị trí tiếp xúc, nồng độ thuốc và thời gian tiếp xúc. Hấp thu từ niêm mạc họng hoặc đường hô hấp đặc biệt nhanh, nên không được dùng tetracain gây tê để nội soi phế quản hoặc bàng quang, nên dùng lidocain vì an toàn hơn. Thêm một thuốc co mạch vào thuốc tê cũng không đủ để làm giảm hoặc làm chậm hấp thu thuốc tê để bảo vệ chống lại các tác dụng toàn thân.
Sinh khả dụng của tetracain sau khi bôi gel 4% lên da lành nguyên vẹn khoảng 15% và nửa đời trung bình hấp thu và thải trừ khoảng 75 phút.
Dùng dung dịch 0,5% ở mắt, tác dụng gây tê tại chỗ đạt được trong vòng 25 giây và kéo dài đến 15 phút hoặc hơn. Khi dùng tại chỗ trên bề mặt niêm mạc, tác dụng gây tê tại chỗ bắt đầu sau khoảng 5 – 10 phút và có thể kéo dài khoảng 30 phút. Khi gây tê tủy sống, thời gian bắt đầu tác dụng chậm, tới 15 phút, kéo dài khoảng 1,5 – 3 giờ.
Tác dụng gây tê tủy sống kéo dài cho tới khi thuốc được hấp thu vào tuần hoàn máu, vì có ít esterase trong dịch não tủy. Tetracain bị thủy phân thành acid para aminobenzoic do pseudocholinesterase huyết tương. Các chất chuyển hóa chủ yếu bài tiết qua thận.
Chỉ định
Gây tê tại chỗ ở mắt khi đo nhãn áp, thực hiện các thủ thuật nhanh ở giác mạc hoặc kết mạc như cắt bỏ dị tật, cắt hoặc khâu giác mạc, kết mạc, trích tiền phòng, rửa vết thương.
Gây tê ở mũi, họng, thanh quản để làm một số thủ thuật chẩn đoán.
Bôi ngoài da để gây tê: Giảm đau trước khi tiêm tĩnh mạch hoặc đặt ống cathete tĩnh mạch, đau hậu môn, trực tràng.
Gây tê tủy sống.
Chống chỉ định
Mẫn cảm với tetracain hoặc các thuốc gây tê loại ester khác, acid para aminobenzoic hoặc dẫn chất.
Không được gây tê ở mắt cho trẻ sơ sinh đẻ thiếu tháng do hệ enzym chuyển hóa chưa đầy đủ.
Thận trọng
Tetracain có độc tính rất cao đối với toàn thân. Tetracain hấp thu nhanh từ niêm mạc và các ADR có thể xảy ra đột ngột mà không có dấu hiệu báo trước hoặc co giật. Tử vong đã xảy ra khi dùng thuốc.
Phải luôn luôn sẵn sàng phương tiện cấp cứu hồi sức.
Phải dùng thuốc rất thận trọng đối với người cao tuổi, người suy nhược, trẻ em, người bị động kinh, bệnh tim hoặc rối loạn chức năng hô hấp, sốc, bị nhược cơ.
Không gây tê tủy sống đối với người bị các bệnh ở màng não (tủy não), sốc do tim hoặc do giảm thể tích máu hoặc rối loạn đông máu.
Không được tiêm vào các vùng bị viêm, nhiễm khuẩn hoặc tránh tiêm do bất cẩn vào một mạch máu.
Do thuốc hấp thu nhanh qua niêm mạc nên không được bôi thuốc vào vùng bị viêm, chấn thương hoặc nơi có mạch máu lớn.
Khi gây tê ở miệng, họng, thuốc tê có thể làm nuốt khó và tăng nguy cơ hít phải thức ăn, chất nôn vào phổi, cho nên khi làm thủ thuật như soi thanh quản hoặc soi khí quản, người bệnh không được ăn hoặc uống ít nhất trong 3 – 4 giờ sau khi gây tê.
Không nên dùng tetracain để gây tê khi nội soi phế quản hoặc bàng quang (nên dùng lidocain an toàn hơn).
Giác mạc có thể bị tổn thương khi dùng thuốc tê kéo dài. Người bệnh không được dụi mắt hoặc đụng vào mắt khi vẫn còn tác dụng gây tê và mắt gây tê phải được bảo vệ tránh bụi và lây nhiễm khuẩn.
Không dùng thuốc trên vùng da rộng hoặc kéo dài.
Thời kỳ mang thai
Chưa có thông tin về ảnh hưởng khi dùng thuốc cho phụ nữ mang thai. Tuy nhiên cần sử dụng thận trọng dưới sự giám sát của thầy thuốc.
Thời kỳ cho con bú
Chưa có thông tin về thuốc có bài tiết qua sữa mẹ không. Tuy nhiên cần sử dụng thận trọng cho người đang cho con bú.
Tác dụng không mong muốn (ADR)
ADR phần lớn là do dùng quá liều hoặc do thuốc hấp thu nhanh, làm nồng độ thuốc trong huyết tương tăng cao có thể gây ngừng tim và tử vong nếu không được điều trị kịp thời và thích hợp.
Thuốc cũng có thể gây phản ứng quá mẫn. Tetracain độc hơn và có nhiều khả năng gây mẫn cảm do tiếp xúc hơn các loại thuốc gây tê khác. Gây tê tủy sống có nhiều ADR hơn gây tê bằng nhỏ thuốc hoặc bôi thuốc.
Thường gặp, ADR > 1/100
Gây tê tủy sống: Hạ huyết áp, nhức đầu sau gây tê, đau lưng.
Nhỏ mắt: Buốt, xót ở mắt.
Bôi thuốc: Da đỏ ở vùng bôi thuốc.
Ít gặp, 1/1 000 < ADR < 1/100
Phù nhẹ hoặc ngứa ở vùng bôi thuốc.
Hiếm gặp, ADR < 1/1 000
Da bị phồng rộp. Sốc phản vệ, ngừng tim (tuy rất hiếm nhưng đã xảy ra).
Hướng dẫn cách xử trí ADR
Các ADR tuy ít xảy ra nhưng thường không có dấu hiệu báo trước, tử vong đã xảy ra, nên các phương tiện cấp cứu phải luôn luôn sẵn sàng. Ngay cả khi làm test da cũng có thể gây phản ứng phản vệ rất nặng.
Khi có dấu hiệu đầu tiên nhiễm độc thuốc gây tê dùng đường tiêm, phải ngừng thuốc ngay. Trong một số trường hợp, nếu có thể, tìm cách ấn mạch hoặc buộc dây thắt để ngăn thuốc hấp thu thêm vào cơ thể. Dù tiêm hay bôi thuốc tại chỗ, phải điều trị hỗ trợ. Phải duy trì được tuần hoàn và hô hấp và phải khống chế được co giật (hô hấp hỗ trợ, oxygen, truyền dịch tĩnh mạch, diazepam, phenobarbital…).
Nên dùng ephedrin khi có hạ huyết áp do gây tê tủy sống, đặc biệt khi người bệnh mang thai.
Liều lượng và cách dùng
Người lớn
Gây tê ở mắt:
Thời gian ngắn (không phẫu thuật): Nhỏ 1 – 2 giọt dung dịch nhỏ mắt 0,5%.
Phẫu thuật: Nhỏ 1- 2 giọt dung dịch nhỏ mắt 0,5%, cứ 5 – 10 phút một lần, dùng tới 3 – 5 lần phụ thuộc vào thời gian phẫu thuật.
Để gây tê ở mũi và họng hoặc làm mất phản xạ ho và nôn trước khi thăm khám:
Bôi trực tiếp dung dịch 0,25% hoặc 0,5% hoặc hít qua miệng thuốc phun mù 0,5%. Dùng dạng khí dung tốt hơn để tránh hấp thu toàn thân.
Gây tê thực quản, khí quản, thanh quản:
Tổng liều thường không được quá 20 mg (8 ml dung dịch 0,25% hoặc 4 ml dung dịch 0,5%).
Nhà sản xuất khuyến cáo nên thêm 0,06 ml dung dịch epinephrin (adrenalin) 0,1% vào mỗi ml dung dịch thuốc gây tê để làm thuốc gây tê chậm hấp thu.
Gây tê tủy sống:
Liều lượng thay đổi tùy theo cách gây tê, mức độ cần tê và đáp ứng của mỗi người bệnh. Người cao tuổi, suy nhược, bị bệnh nặng, sản phụ và người có tăng áp lực trong ổ bụng, thường phải dùng liều thấp nhất mà có hiệu quả mong muốn và phải theo dõi huyết áp trong khi gây tê tủy sống. Phải sẵn sàng các phương tiện cấp cứu.
Gây tê tủy sống (gây tê dưới màng nhện):
Pha loãng dung dịch 1% tetracain hydroclorid vào dịch não tủy ngay trước khi tiêm với một thể tích bằng nhau. Một cách khác, cứ 5 mg bột tetracain hydroclorid pha vào 1 ml dịch não tủy. Sau đó, dung dịch này được tiêm chậm với tốc độ khoảng 1 ml/5 giây. Khi thêm dịch não tủy vào bột hoặc dung dịch 1%, có thể có vẩn đục, phụ thuộc vào pH của dịch não tủy, số lượng thuốc, chất hòa tan, và nhiệt độ của dung dịch. Sự vẩn đục này là do giải phóng base tự do và quá trình này (được hoàn tất trong dịch não tủy) là cần thiết cho hoạt tính của thuốc gây tê.
Gây tê vùng đáy chậu:
Liều thông thường tetracain hydroclorid cho người lớn là 5 mg. Để gây tê vùng đáy chậu và các chi dưới, liều thông thường cho người lớn là 10 mg. Đối với gây tê tủy sống vùng tê lan tới bờ sườn, liều thông thường người lớn là 15 – 20 mg. Đối với gây tê tủy sống thấp (gây tê khoang cùng, phong bế hình yên) trong đẻ qua âm đạo, dùng dung dịch đậm đặc 2 – 5 mg tetracain hydroclorid. Các liều cao hơn 15 mg rất ít khi phải cần đến và chỉ được dùng trong những trường hợp đặc biệt.
Gây tê vùng trước tiêm tĩnh mạch hoặc đặt ống tĩnh mạch:
Bôi gel 4% lên vùng cần gây tê, băng vải kín; người lớn và trẻ ≥ 5 tuổi dùng tối đa một lần 5 tuýp (khoảng 5 g) (bôi 1 hoặc nhiều vị trí); trẻ em 1 tháng tuổi dùng tối đa một lần 1 tuýp. Loại bỏ gel và vải băng sau 30 phút với gây tê vùng tiêm tĩnh mạch và 45 phút với gây tê vùng đặt ống tĩnh mạch. Mỗi lần bôi tác dụng gây tê kéo dài khoảng 4 – 6 giờ.
Gây tê trực tràng:
Bôi kem hoặc thuốc mỡ vào trực tràng khi cần, ngày bôi tối đa 6 lần, với tổng liều không quá 20 g kem 1% hoặc thuốc mỡ 0,5%.
Gây tê khu trú, giảm đau, ngứa trên da:
Bôi kem hoặc thuốc mỡ vào vùng da cần điều trị, ngày có thể dùng 3 – 4 lần.
Đau họng:
Người lớn, trẻ trên 6 tuổi: Dùng viên ngậm 0,2 mg, ngày 6 – 8 viên, cách nhau ít nhất 1 giờ. Không nhai, không nuốt viên.
Liều dùng cho trẻ em chưa có thông báo
Riêng loại kem và thuốc mỡ bôi ngoài da có thể dùng cho trẻ em trên 2 tuổi nhưng cần thận trọng.
Tương tác thuốc
Chất chuyển hóa của tetracain là acid aminobenzoic có thể đối kháng tác dụng với acid aminosalicylic và các sulfonamid, do vậy, không nên dùng tetracain cho những người bệnh đang dùng những thuốc nói trên.
Các chất ức chế cholinesterase có thể ức chế chuyển hóa của tetracain, dẫn đến tăng nguy cơ gây ngộ độc toàn thân.
Quá liều và xử trí (xem thêm mục Hướng dẫn cách xử trí ADR)
Triệu chứng: Tetracain có độc tính toàn thân khá cao. Khi dùng liều cao gây tê tại chỗ, thuốc có thể hấp thu, gây tác dụng toàn thân và ngộ độc do quá liều.
Các triệu chứng chủ yếu là suy giảm tuần hoàn: Ra mồ hôi, hạ huyết áp, tái nhợt, nhịp tim chậm hoặc loạn nhịp, có thể gây ngừng tim dẫn đến tử vong. Đối với thần kinh trung ương biểu hiện các triệu chứng như:
Nhìn mờ, nhìn đôi, lú lẫn, co giật, chóng mặt, ngủ gật, cảm giác nóng lạnh, tê cóng, ù tai, rét run, bất tỉnh hoặc hưng phấn, sợ hãi.
Đầu tiên thường gây phản ứng kích thích sau đó suy giảm, nhưng các biểu hiện kích thích có thể thoáng qua hoặc không thấy nên chỉ có biểu hiện suy giảm là bất tỉnh sau đó ngừng thở.
Methemoglobin huyết: Khó thở, chóng mặt, đau đầu, mệt mỏi.
Xử trí: Tiêm tĩnh mạch các thuốc tăng tuần hoàn.
Điều trị co giật: Có thể dùng benzodiazepin, nhưng lưu ý rằng thuốc này có thể làm giảm hô hấp, giảm tuần hoàn đặc biệt khi dùng nhanh.
Do vậy, phải sẵn có các thiết bị hồi sức cấp cứu kịp thời.
Điều trị methemoglobin huyết: Tiêm tĩnh mạch xanh methylen 1 – 2 mg/kg và/hoặc cho uống vitamin C 100 – 200 mg.
Bổ trợ: Duy trì hô hấp, cho thở 100% oxygen, nếu cần đặt nội khí quản.
Độ ổn định và bảo quản
Tránh ánh sáng, bảo quản ở 2 – 8 độ C, không để đông lạnh.
Dung dịch tetracain hydroclorid thủy phân chậm tạo thành acid parabutylaminobenzoic kết tinh. Do vậy, cần kiểm tra các dung dịch thuốc trước khi dùng. Không sử dụng nếu thấy vẩn đục hoặc có tinh thể không tan.
Tương kỵ
Dung dịch tetracain hydroclorid với các hydroxyd kiềm hoặc muối carbonat sẽ gây kết tủa tetracain base.
Thông tin về y học chỉ mang tính tham khảo, bạn cần hỏi ý kiến của thầy thuốc trước khi áp dụng cho mình và người thân. Với mỗi người việc đáp ứng với các liệu trình điều trị là khác nhau tùy thuộc cơ địa bản thân !